Từ tháng 9.2022, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương gặp khó khăn, thiếu đơn hàng khiến nhiều người lao động phải giảm giờ làm, mất việc làm.
Số lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm 2022 cũng tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Thống kê tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh tăng 25,88%, Bình Dương tăng 39,08%, Đồng Nai tăng 54,69% và Tiền Giang tăng 66,5%.
Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Tổng chung khu vực phía Nam có 341.544 người lao động bị ảnh hưởng, chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của toàn quốc.
Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu nêu ý kiến thảo luận tại phiên chuyên đề “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra ngày 17.12.Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trước tình trạng này, các cấp công đoàn đã chủ động nắm kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, mất việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm.
Tổ chức công đoàn tham gia, đề xuất với doanh nghiệp xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, tăng cường đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động; trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề xuất nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát thực tế đối với người lao động ở 3 mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề.
Cùng trao đổi về việc này, ông Lê Văn Thanh - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, cơ quan này cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Trong đó có việc nắm bắt tình hình tiền lương, tiền thưởng, chăm lo cái Tết cho người lao động.Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp với các địa phương chủ động, thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp;
Kịp thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp;
Hướng dẫn các địa phương khuyến khích doanh nghiệp có các biện pháp thiết thực, hiệu quả quan tâm chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo, cùng nhau khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức. Chủ động có giải pháp cơ cấu lại lao động, phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra, đặc biệt trong dịp Tết.