“Phấn đấu năm tới có 1 bài sáng kiến to”
Anh Nguyễn Hoài Nam - bộ phận xử lý bề mặt của Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam - là người có sáng kiến giảm từ 5 đường phun hóa chất xuống còn 3 đường phun hóa chất cho chi tiết đèn xe máy Air blade, làm lợi hơn 700 triệu đồng/năm. Để có sáng kiến này, trong quá trình sản xuất, anh Nam đã tìm tòi tìm cách giảm hóa chất, giảm thao tác, cũng như giảm độc hại cho người công nhân. Điều này rất quan trọng đối với bộ phận làm việc trực tiếp với bề mặt phun sơn vì càng giảm sơn từ súng phun (sơn) thì càng đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Anh Nam cho biết, để có sáng kiến này, anh được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, Công đoàn Công ty. Việc tìm tòi tìm ra sáng kiến, được triển khai đến tất cả các phòng ban và việc cải tiến trong sản xuất được xây dựng thành kế hoạch hàng năm để cán bộ công nhân viên có định hướng. Anh Nam nhấn mạnh việc có sáng kiến, sáng tạo, đầu tiên là sẽ làm lợi cho Công ty. Tiếp đến là có lợi cho bản thân vì những cải tiến nhỏ được khoảng 30.000 đồng, lớn hơn thì được 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng.
Với anh Lưu Trường Thành, một đồng nghiệp cùng Công ty với anh Nam, người được nhận danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô năm 2021, tổ chức Công đoàn và Ban lãnh đạo Công ty đã tạo điều kiện để người lao động có môi trường tốt để có thể phát huy được sáng kiến, sáng tạo. Đặc biệt, Công đoàn và Công ty đã kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng đối với người lao động có sáng kiến, sáng tạo. Đây chính là nguồn động viên to lớn để người lao động duy trì, phát huy hoạt động cải tiến và đưa ra nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quá trình làm việc.
Yếu tố tạo động lực cho những người lao động như anh Nam, anh Thành ở Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam chính là sự quan tâm của Công đoàn và lãnh đạo Công ty, luôn định hướng, đưa ra những gì tốt nhất, tạo điều kiện tốt nhất để công nhân có thể cống hiến trí tuệ. Chính vì vậy, anh Nam khẳng định “phát huy những gì đã làm được, chúng tôi phấn đấu năm tới, mỗi cán bộ công nhân viên và đặc biệt là bản thân tôi sẽ có bài cải tiến to hơn để làm sao đảm bảo chi phí sản xuất nhỏ nhất".
Trao đổi về kinh nghiệm khơi dậy năng lực sáng tạo của người lao động, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam Ngô Ngọc Vinh chia sẻ: Phong trào sáng kiến, sáng tạo đã trở thành phong trào thi đua rất sôi nổi từ trong các phân xưởng, phòng ban. Những sáng kiến, sáng tạo của người lao động đã được áp dụng vào các dây chuyền sản xuất và có giá trị làm lợi lớn cho công ty. Hằng năm, người lao động tại công ty đều được Liên đoàn Lao động thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ghi nhận các đề tài cải tiến. Đặc biệt, từ năm 2019, Công ty đã đưa các đề tài cải tiến tham gia cuộc thi cải tiến toàn cầu và có nhiều đề tài đã được ghi nhận. Điều đó chứng minh rằng, sau 15 năm triển khai, các đề tài cải tiến của người lao động không chỉ được trong nước ghi nhận mà còn được quốc tế ghi nhận
Còn Giám đốc điều hành, ông Hideaki Nasu chỉ nói ngắn gọn: Tập đoàn đánh giá rất cao năng lực của người lao động Việt Nam. Tại công ty, chúng tôi trân trọng từ những ý tưởng nhỏ nhất đến sáng kiến, sáng tạo của người lao động. Dù nhỏ hay lớn thì đều được được ghi nhận bằng các hình thức. Có như vậy mới động viên được người lao động.
Chương trình 75 nghìn sáng kiến góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp
Tại Hà Nội, hưởng ứng chương trình 75 nghìn sáng kiến vượt khó phát triển của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã có Hướng dẫn 04/HD-LĐLĐ ngày 04 tháng 3 năm 2021 về việc chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức triển khai Chương trình ”75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển”. Phong trào đã được các cấp công đoàn Thủ đô triển khai tới 100% đoàn viên, người lao động và công đoàn cơ sở. Kết quả đến ngày 20.4.2021, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã cập nhật thành công hơn 4.000 sáng kiến và tổng hợp trình 05 hồ sơ sáng kiến tiêu biểu trình Tổng Liên đoàn khen thưởng. Các sáng kiến được cập nhật là những sáng kiến được triển khai, được áp dụng vào thực tiễn của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và có khả năng áp dụng, phổ biến rộng rãi trong ngành hoặc toàn thành phố, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Góp phần quan trọng trong việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, khắc phục những hậu quả của dịch COVID-19.
Từ phong trào thi đua “Lao động sáng tạo” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 1996, đã được Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cụ thể bằng phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, phong trào đã tạo ra sức lan tỏa lớn, được các cấp chính quyền, Công đoàn, chủ doanh nghiệp và đông đảo người lao động hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, phong trào này phát huy mạnh mẽ ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước đã góp phần giúp doanh nghiệp phát triển.
Theo số liệu phong trào thi đua đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến trong công nhân viên chức lao động Thủ đô” năm 2021 của Liên đoàn Lao động thành phố, trong tổng số 525 sáng kiến gửi về Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, có 335 sáng kiến tính được giá trị làm lợi bằng tiền, với số tiền làm lợi hơn 550 tỉ đồng. Nhiều sáng kiến của công nhân lao động được áp dụng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỉ đồng mỗi năm mà còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn Thủ đô.
Ngoài ra, năm 2021, toàn thành phố có 60.500 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 3.655 công nhân lao động được công nhận “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở. Trong đó, riêng khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỉ lệ 35% số công nhân được tuyên dương; số công nhân bậc 3, 4, 5 đạt danh hiệu Công nhân giỏi Thủ đô chiếm trên 60%; công nhân có trình độ tay nghề bậc 6, 7 chiếm tỉ lệ trên 35%. Một số công nhân lao động đạt các giải tại Hội thi tay nghề khu vực và quốc tế. Đây là những tấm gương điển hình tiên tiến cấp cơ sở và cấp trên cơ sở.