Mô hình “cây - con” kết hợp
10 năm qua, hộ ông Trần Ngọc Liên (dân tộc Xê Đăng, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My) kiên định với việc trồng, phát triển vườn quế dù có thời điểm quế thành phẩm rớt giá thê thảm. Đến nay, gia tài của ông đã có 2ha quế đến kỳ thu hoạch, với giá vỏ khô trên thị trường hiện nay 80.000 đồng/kg, vườn quế đều đặn mang về cho ông số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
“Ngoài thu nhập chính từ cây quế, tôi còn kết hợp chăn nuôi heo, bò... để lấy ngắn nuôi dài. Nhờ có sinh kế bền vững, gia đình đã vượt qua khó khăn, đời sống ngày càng khấm khá. Tôi cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của mình để giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo” - ông Liên nói.
Tương tự, hơn 5 năm trước, từ nguồn vốn vay ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở vùng đặc biệt khó khăn, ông Đoàn Duy Giáo (ở thôn 3, xã Trà Giáp) đã mạnh dạn vay tổng cộng 110 triệu đồng để nuôi bò, trồng quế. Đến nay, gia đình sở hữu hơn 5ha quế, một số gốc quế sắp đến kỳ thu hoạch.
Thông tin với Lao Động, ông Lê Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay, giai đoạn 2022 - 2023, tỉ lệ hộ nghèo bình quân của huyện đã giảm 7,94%, hơn gấp đôi so với mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết HĐND huyện.
“Huyện còn 4.013 hộ nghèo (tỉ lệ 34,56%), phần lớn thuộc vùng đồng bào DTTS và hướng tới đạt mục tiêu huyện thoát nghèo vào năm 2025. Mô hình “cây - con” kết hợp là 1 trong những giải pháp phù hợp, hiệu quả mà chúng tôi triển khai cho bà con miền núi”.
Trao “cần câu” cho đồng bào miền núi
Nam Giang cũng là 1 trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn ở Quảng Nam với tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 35%.
Theo ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, địa phương kiên định thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng tập trung vào “3 cây 3 con”.
Đối tượng triển khai là các hộ nghèo và cận nghèo, được trợ lực từ nguồn vốn chương trình chính sách của tỉnh và hướng dẫn kỹ thuật từ các hộ chăn nuôi sản xuất giỏi, kết hợp dịch vụ trồng và chăm sóc rừng.
“Hiệu quả rõ nhất của mô hình “3 cây 3 con” là đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân miền núi, góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo của huyện, từ 52,36% trong năm 2016 xuống còn 35,58% năm 2023, phấn đấu đến năm 2025 chỉ còn 25%.
Chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai các mô hình như trồng bưởi da xanh diện rộng; phát triển lòn bon kết hợp du lịch; trồng rừng gỗ lớn; trồng sâm và dược liệu, chăn nuôi heo, bò… nhằm cải tạo sinh kế, hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững" - ông A Viết Sơn cho hay.
Tỉnh Quảng Nam có 2 huyện là Phước Sơn và Bắc Trà My đăng ký thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Tỉnh đang ưu tiên nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững cho 2 huyện, tập trung tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).