Mã vùng trồng - Chìa khóa đưa nông sản Đắk Nông vươn khơi

Phan Tuấn |

Việc thiết lập và cấp mã vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là quy định của các nước nhập khẩu nhằm kiểm dịch thực vật, bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Tại tỉnh Đắk Nông, việc này đang triển khai một cách có hiệu quả nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Giá thành sản phẩm được nâng cao

Gia đình ông Nguyễn Đình Trường, ở xã Đắk Wer, có 2ha sầu riêng đang trong thời kỳ thu hoach. Trong năm 2023, gia đình ông Trường có mức thu nhập khá hơn mọi năm nhờ việc xây dựng mã vùng trồng.

Theo ông Trường, sau khi được cấp mã vùng trồng, sản phẩm sầu riêng của gia đình ông đã đủ điều kiện để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc nên giá bán sầu riêng cao hơn mọi năm.

Chia sẻ về việc được cấp mã vùng trồng, ông Trường cho biết: "Nhiều năm nay gia đình tôi đã canh tác sầu riêng theo quy trình VietGAP. Tôi tuân thủ nhiều quy tắc nhằm bảo đảm chất lượng sầu riêng và an toàn thực phẩm".

Theo anh Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty Nghiệp Xuân ở thành phố Gia Nghĩa, vùng trồng giống như sân sau của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn đủ hàng, bảo đảm chất lượng thì phải xây dựng được mối liên kết bền chặt với vùng trồng.

Năm 2020, 2021, hoạt động xây dựng vùng trồng được công ty thúc đẩy một cách mạnh mẽ hơn. Đây cũng là khoảng thời gian mà Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu nông sản. Họ đặt ra các tiêu chuẩn nhập khẩu chính ngạch vào nội địa trong bối cảnh tăng cường phòng, chống COVID-19.

Vấn đề về kiểm dịch thực vật được Trung Quốc chú trọng nhiều hơn. Trong đó, để xuất khẩu được chính ngạch yêu cầu bắt buộc là doanh nghiệp Việt Nam phải có mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.

Đến cuối năm 2022, doanh nghiệp được cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu sầu riêng tươi, khoai lang vào Trung Quốc.

"Xây dựng vùng trồng không khó, vấn đề là phải thực hiện những quy tắc một cách tự nguyện và nghiêm túc. Làm được như thế sẽ không có chuyện nông sản bị trả lại vì một rào cản kỹ thuật nào đó. Thậm chí, doanh nghiệp, nhà vườn còn có thể thương thảo, đưa ra giá bán cạnh tranh khi xuất khẩu" - anh Tôn chia sẻ.

Nhiều công ty, nhà vườn ở Đắk Nông đang chú trọng đến việc xây dựng mà số vùng trồng. Ảnh: Lê Dung
Nhiều công ty, nhà vườn ở Đắk Nông đang chú trọng đến việc xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Dung

Nông sản được chắp cánh bay xa

Theo anh Bùi Phú Tôn, Giám đốc Công ty Nghiệp Xuân, đối với cây sầu riêng, hiện đơn vị đã được cấp mã số vùng trồng với diện tích 30,5 ha tại xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa. Công ty đang làm hồ sơ để tiếp tục đề nghị cấp thêm một số mã vùng trồng tại địa phương.

Việc được cấp mã số vùng trồng đã giúp nông sản của công ty xuất khẩu thuận lợi. Trong năm 2023, Công ty Nghiệp Xuân đã xuất khẩu trên 800 tấn trái sầu riêng tươi, 800 tấn chanh dây cấp đông, 260 tấn xoài cấp đông. Thị trường chủ yếu của công ty là Trung Quốc.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, từ nhiều năm nay, hoạt động cấp mã vùng trồng đã được các cấp ngành coi trọng. Riêng năm 2023 đạt kết quả cao nhất.

Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh Đắk Nông đã được cấp 44 mã vùng trồng và mã đóng gói; trong đó, có 36 vùng trồng, 8 cơ sở đóng gói. Như vậy, đến nay, trên toàn tỉnh Đắk Nông đã có 47 mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói.

Trong năm qua, có 4 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu 1.497 tấn sầu riêng. Trong đó có 1.197 tấn sầu riêng quả xuất khẩu sang Trung Quốc và 300 tấn cơm sầu riêng sang Thái Lan.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, địa phương phấn đấu đến năm 2030 sẽ triển khai cấp 648 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh và địa phương, với tổng diện tích 9.928,17ha.

Trong đó, tỉnh Đắk Nông sẽ ưu tiên cấp 148 mã số vùng trồng cho vùng sản xuất nông sản thuộc quy hoạch các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nguyên liệu, với diện tích 7.428ha.

Ngoài ra, Đắk Nông sẽ cấp khoảng 500 mã số vùng trồng cho các tổ chức, cá nhân đăng ký hồ sơ, với diện tích khoảng 2.500ha trên tất cả các loại cây trồng tại địa phương.

Phan Tuấn