Sự ra đời Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TPHCM
Sáng 4.11, Hoà thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã có những chia sẻ với PV báo Lao Động những vấn đề xoay quanh sự hình thành và phát triển của của Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TPHCM. Việc thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TPHCM là bước ngoặt quan trọng để vận động hiệp thương nhằm mục đích thống nhất Phật giáo Việt Nam.
Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, vào ngày 7.8.1975, tại chùa Xá Lợi (quận 3, TPHCM), một Hội nghị Phật giáo với sự tham gia của chư tôn đức từ 10 Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái đã tiến hành thành lập Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TPHCM (gọi tắt là Ban Liên lạc) do Hòa thượng Thích Minh Nguyệt – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trụ sở ban đầu đặt tại chùa Xá Lợi, một năm sau được dời về chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TPHCM).
Gánh trên vai sứ mạng lịch sử giai đoạn đầu miền Nam vừa mới giải phóng, Ban Liên lạc ra đời nhằm mục đích đoàn kết rộng rãi các tổ chức Phật giáo để tiến đến một chương trình hành động thống nhất Phật giáo thành một mối duy nhất. Ngoài ra, do yêu cầu thực tế, Ban Liên lạc còn tập trung vào nhiệm vụ phát huy truyền thống yêu nước của Phật tử Việt Nam, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh.
Tuy nhiên, nhiệm vụ tập trung và trước mắt của Ban Liên lạc vẫn là tạo mối liên lạc, siết chặt tình đoàn kết trong các Giáo hội Phật giáo và giữa các Giáo hội, tổ chức Hội, hệ phái với chính quyền cách mạng, từ đó đi đến những nhiệm vụ cụ thể hơn trong công tác vận động hiệp thương thống nhất Phật giáo.
Chuỗi ngày các bậc chư tôn đức tích cực hoạt động trong Ban Liên lạc là giai đoạn bận rộn và gian khổ nhất. Ngoài công việc liên tục đi lại khắp các tỉnh miền Nam để tạo mối liên lạc, động viên thăm hỏi chư Tôn đức các Tổ đình, các Hệ phái, các ngài còn phải di chuyển từ miền Nam ra miền Trung, ra miền Bắc. Mỗi chuyến đi đều phải mất nhiều thời gian, đều phải có sự chuẩn bị kỹ càng, đều phải mang cả một tấm lòng yêu nước chân thành và cái tâm tha thiết vì một Giáo hội thống nhất sum họp một nhà để trang trải chan hòa tại các buổi tọa đàm, hội nghị…
Nhờ tâm huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ, sau 5 năm hình thành và hoạt động, Ban Liên lạc đã làm tròn vai trò lịch sử của mình khi tạo được mối liên thông đồng cảm sâu sắc giữa chư Tôn đức các Giáo hội, tổ chức Hội và hệ phái Phật giáo trong cả nước.
Bước ngoặt quan trọng để thống nhất Phật giáo Việt Nam
Các vị chư tôn giáo phẩm với vai trò lãnh đạo Ban Liên lạc dù tuổi cao sức yếu, nhưng luôn tận tâm với công việc tạo mối liên lạc, thường xuyên thăm hỏi chư tôn đức trụ trì các Tổ đình, lãnh đạo các Giáo hội, tổ chức Hội và Hệ phái Phật giáo. Qua đó, các ngài đã tạo mối đồng cảm, hiểu biết và nhất trí cùng hướng về mục tiêu thống nhất Phật giáo nước nhà.
Tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, nơi nào có điều kiện thuận duyên, các ngài liền đến vận động. Từ các Tổ đình, chùa, viện ở các tỉnh thành miền Đông và Tây Nam Bộ cho đến các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên và miền Trung Trung Bộ, các ngài đều không quản ngại tuổi già sức yếu mặc dù đường sá xa xôi cách trở.
Khi nói đến những chuyến công tác của Ban Liên lạc, có thể nói rằng những chuyến công tác đặc biệt ra miền Bắc là những chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc cho những bậc giáo phẩm cùng toàn thể thành viên trong đoàn vào những ngày đầu tiên Phật giáo miền Nam ra thăm đất Bắc.
Trong phái đoàn Phật giáo miền Nam ra thăm miền Bắc và Thủ đô Hà Nội vào tháng 10.1979 gồm có Hòa thượng Bửu Ý lúc đó là Trưởng đoàn, Hòa thượng Pháp Dõng là Phó đoàn, Hòa thượng Pháp Lan là Thư ký đoàn.
Qua chuyến thăm này, Hòa thượng Bửu Ý đã thấu lý đạt tình, cùng với tình cảm chân thành, trung thực và cả sự thông minh trí tuệ của các bậc chư tôn đức trong đoàn đã tạo được sự tin tưởng, nể nang và kính trọng lẫn nhau. Điều này đã tạo nhiều thuận duyên trong quá trình đi đến việc thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, một bước ngoặt rất quan trọng trong tiến trình đi đến hiệp thương và thống nhất Phật giáo nước nhà vào ngày 7.11.1981.