Theo thống kê mới nhất của TP Đà Lạt, lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% tổng thu ngân sách, đồng thời cơ cấu kinh tế về công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 18%, đứng thứ hai sau du lịch - dịch vụ.
Theo UBND TP Đà Lạt, giai đoạn năm 2021 đến đầu năm 2022 là giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản Lâm Đồng, hoạt động giao dịch sôi động.
Trong năm 2021, Đà Lạt có 2.536 giao dịch đất nền, và 1.566 giao dịch nhà ở, được đăng ký biến động chuyển nhượng; quý 1.2022, toàn thành phố có 1.342 lô đất nền và nhà ở được giao dịch thành công.
Từ quý 2.2022, Chính phủ ban hành các chính sách tài khóa và tiền tệ như siết chặt tín dụng bất động sản nhằm giảm nguy cơ sốt giá ảo, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có các giải pháp kịp thời để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.
Qua đó, trong năm 2022 đã cơ bản kiểm soát được tình trạng tăng nóng, sốt cục bộ, góp phần đưa bất động sản về giá trị thực; kéo theo đó là sự suy giảm của thị trường bất động sản TP Đà Lạt.
Đến năm 2023, trên địa bàn TP Đà Lạt chỉ có 642 giao dịch đất nền và 465 giao dịch nhà ở được đăng ký biến động chuyển nhượng (giảm 3.078 giao dịch so với cùng kỳ năm 2022).
Các giao dịch bất động sản chủ yếu là các giao dịch nhỏ, mua bán giữa các hộ dân. Giá giao dịch bất động sản thường biến động theo từng khu vực và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như vị trí địa lý, các tiện ích xung quanh, tình trạng kinh tế, cũng như số lượng các bất động sản.
Thời gian qua, UBND TP Đà Lạt đã đánh giá tình hình, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, thực hiện các giải pháp, cơ chế, chính sách điều tiết, ổn định thị trường bất động sản trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Từ đó, thị trường bất động sản trên địa bàn TP Đà Lạt gần đây đã bình ổn, không xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.