Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 6 huyện được xác định là huyện nghèo gồm: Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát.
Tổng số hộ nghèo thuộc đối tượng được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở các huyện trên là 6.045 hộ; tổng số hộ cận nghèo là 2.472 hộ. Đa số các hộ trong đối tượng này là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi.
Số vốn cần có để thực hiện là 263 tỉ 80 triệu đồng từ nguồn ngân sách trung ương. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính căn cứ điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu để UBND tỉnh quyết định việc hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương.
Nguyên tắc hỗ trợ bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình.
Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số và hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.
Huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện, kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng xác định tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện.