Hội quán Đất Sen hồng - hành trình đồng hành cùng phát triển

Lâm Điền |

Hội quán Đất Sen hồng là thiết chế xã hội do tỉnh Đồng Tháp sáng tạo nhằm tập hợp những người có cùng ý nguyện, ngành nghề để liên kết làm ăn theo tư duy mới.

Sáng 31.10, tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp báo về Ngày hội Hội quán. Ông Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Đồng Tháp - chủ trì cuộc họp.

Với chủ đề “Hội quán Đất Sen hồng - Đồng hành cùng phát triển”, sự kiện diễn ra trong 2 ngày (18 - 19.11) tại TP Cao Lãnh với nội dung đa dạng, như: Hội thi “Thủ lĩnh Hội quán Đất Sen hồng”; tham quan mô hình hội quán; khai mạc triển lãm các gian hàng trưng bày hình ảnh, hiện vật, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP từ các hội quán…

Quang cảnh buổi họp báo về Ngày hội Hội quán đất Sen hồng. Ảnh: Lâm Điền
Quang cảnh buổi họp báo về Ngày hội Hội quán đất Sen hồng. Ảnh: Lâm Điền

Trong đó, trọng tâm là Hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của hội quán” với 03 chủ đề: Cộng đồng tự lực, tự quản, tự chủ, thực hiện tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường; Tư duy nông nghiệp tích hợp đa giá trị, nền tảng phát triển du lịch nông nghiệp; Chủ động tiếp cận chuyển đổi số, xây dựng làng thông minh, làng hạnh phúc. Ngoài ra, còn có Hội thảo Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Đồng Tháp.

Hội quán là thiết chế xã hội do tỉnh Đồng Tháp sáng tạo nhằm tập hợp những người có cùng ý nguyện, ngành nghề, hoạt động không “biên chế”, không ngân sách hỗ trợ để bàn bạc cách làm ăn, trao đổi kinh nghiệm... để hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân, mà cụ thể là thay đổi từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp…

Ông Lê Thành Công phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Lâm Điền
Ông Lê Thành Công phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Lâm Điền

Với phương châm hoạt động “3 không - 3 tự - 3 cùng” (Không bộ máy, không kinh phí từ ngân sách nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết định và cùng nghĩ, cùng làm, cùng thụ hưởng), kể từ tổ chức đầu tiên là “Canh tân Hội quán” được thành lập vào tháng 7.2016 tại xã An Nhơn (huyện Châu Thành), đến nay, Đồng Tháp có 144 hội quán với trên 7.000 thành viên hoạt động trên các loại hình từ sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá tra, cá lồng bè, lươn thịt, sản xuất khô mắm… qua đó góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Tuy nhiên, để hướng tới việc đưa hội quán tham gia chuyển đổi nông nghiệp xanh - hiện đại - bền vững, tạo bứt phá cho kinh tế của địa phương cùng như phát huy thiết chế cộng đồng tự lực, tự chủ, tự quản, hướng đến xây dựng mô hình Làng thông minh, Làng hạnh phúc… đòi hỏi cần có sự thay đổi, làm mới cả về nội dung, phương thức hoạt động…

Với ý nghĩa đó, được sự đồng hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng Tháp tổ chức Ngày hội Hội quán nhằm nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển, qua đó kết nối các nguồn lực từ các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ, phát triển hội quán.

Lâm Điền