Nghề mộc cổ mang lại thu nhập cao
Làng nghề mộc Cúc Bồ (huyện Ninh Giang) là một trong những làng nghề mộc lâu đời và nổi tiếng nhất trên cả nước về độ tinh xảo và nét độc đáo riêng có. Nhất là nhà gỗ Cúc Bồ mẫu mã đẹp và chất lượng tốt, còn được xây dựng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tương truyền, vào thế kỷ XVII, ông Bùi Đình Chiếu là người làng Cúc Bồ làm tri phủ Trấn Sơn Nam Hạ đã cho tìm thợ ở Nam Sang (nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) về dựng cho làng một ngôi đình. Hai anh em thợ họ Trần sau khi hoàn tất công việc cũng bén duyên với nơi này rồi lấy vợ, làm rể Cúc Bồ. Từ đó, họ dạy nghề mộc cổ cho người dân làng Cúc Bồ (xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang) lưu truyền đến bây giờ.
Khác với các làng mộc khác, đặc trưng của nghề mộc Cúc Bồ là xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích đình, đền, chùa, phục dựng nhà cổ. Không đơn thuần như làm mộc gia dụng, công việc này khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm, đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao.
Vốn quen nghề mộc từ bé, anh Bùi Huy Giang (làng mộc Cúc Bồ, xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang) cho biết: "Nghề mộc Cúc Bồ ra đời và phát triển hàng trăm năm nay. Gia đình tôi 3 đời làm nghề này rồi. Năm 14 tuổi, tôi cũng đã tập tành theo nghề. Trước đây, sản phẩm mộc ở Cúc Bồ khá đơn điệu, đơn giản chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương với mức giá hợp lý. Nhưng nhiều năm nay, mộc Cúc Bồ nổi tiếng khắp cả nước nhờ những công trình nhà ở, đình, chùa... do chính tay chúng tôi - những người thợ Cúc Bồ đục đẽo".
Gia đình ông Bùi Văn Phước (một chủ xưởng mộc tại làng Cúc Bồ) thừa hưởng “lửa nghề” từ ông cha. Ông Phước gắn bó với gỗ từ khi còn rất nhỏ, chứng kiến biết bao thăng trầm đổi thay của làng nghề… Nhờ sự kiên trì, bền bỉ gắn bó với nghề truyền thống, mỗi năm gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
"Nghề mộc ở đây là nghề cha truyền con nối. Từ xa xưa, những bàn tay tài hoa của người thợ làm nghề mộc Cúc Bồ đã có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nghề mộc vất vả là thế, những người thợ như chúng tôi thường rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc xây dựng lên nhiều công trình. Chúng tôi mong muốn giữ làng nghề mộc Cúc Bồ ngày càng phát triển, là nguồn thu nhập chính mang lại kinh tế cho gia đình" - ông Phước tâm sự.
700/900 hộ dân lưu giữ nghề mộc cổ Cúc Bồ
Dù nhiều áp lực hơn song nghề mộc mang lại cuộc sống no ấm, đủ đầy cho người dân Cúc Bồ với thu nhập ổn định từ 12 - 15 triệu đồng/người/tháng. Chính bởi vậy, đến nay, thôn Cúc Bồ có 900 hộ thì có tới 700 hộ theo nghề mộc.
Ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc (huyện Ninh Giang) - cho hay: "Với số hộ dân theo nghề mộc lên đến 700 hộ, để phát huy giá trị của làng nghề, sắp tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền quảng bá về thương hiệu làng nghề. Bên cạnh đó, hướng tới xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp tập trung để làng nghề phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại cũng như phát triển việc truyền dạy nghề cho con cháu trong thời gian tới giúp lưu giữ nghề mộc cổ Cúc Bồ".
Hiện nay, không ít người làm mộc ở làng Cúc Bồ đã mở xưởng, mua trang bị máy móc hiện đại lên tới cả tỉ đồng để phát triển sản xuất nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong vùng. Hiệu quả kinh tế từ nghề mộc truyền thống đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương.