Giúp người dân Đắk Nông từ bỏ thói quen sử dụng súng tự chế

PHAN TUẤN |

Những năm qua, lực lượng Công an Đắk Nông đã và đang triển khai thực hiện triển khai có hiệu quả công tác quản lý, vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua đó, kịp thời thu hồi hàng ngàn khẩu súng tự chế, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ các loại.

Giúp người dân từ bỏ thói quen sử dụng súng

Huyện Đắk Glong là địa phương có gần 60% các hộ đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc di cư vào đây sinh sống. Do tập tục, thói quen, nhiều người vẫn cất giữ và sử dụng súng để săn bắn mưu sinh, bảo vệ mùa màng.

Tuy nhiên, từ thói quen này đã để xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm liên quan đến súng tự chế, cướp đi sinh mạng của không ít người dân.

Trong bối cảnh đó, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Công an huyện Đắk Glong cho biết, để thu hồi vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ hiệu quả đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế tại địa phương.

Trong đó, Công an huyện Đắk Glong đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng khác tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân không sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Cùng với đó, đơn vị còn kết hợp động viên, khen thưởng và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các trường hợp tích cực, chủ động giao nộp vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ cho cơ quan chức năng.

Đặc biệt, đơn vị cũng nghiêm khắc giáo dục, răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, giữ gìn sự bình yên ở các bon làng.

“Nhờ có lực lượng công an nên tôi đã nhận thức được việc cất giữ, sử dụng súng tự chế là rất nguy hiểm. Sau khi được lực lượng công an tuyên truyền, tôi đã mang súng đến giao nộp cho cơ quan chức năng. Tôi mong muốn những ai đang cất giữ súng trong nhà thì hãy mang đến giao nộp cho cơ quan chức năng để phòng tránh những việc không hay có thể xảy ra” - anh Giàng Seo Sì, ở xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong cho biết.

Tương tự, anh Tráng A Hạ ở xã Đắk R’Măng, huyện Đắk Glong chia sẻ: "Sau khi được lực lượng công an tuyên truyền,chúng tôi biết được việc sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn là rất nguy hiểm. Thực tế đã có những vụ việc gây chết người do sử dụng súng săn gây ra. Về phía pháp luật cũng nghiêm cấm sử dụng súng nên tôi sẽ giao nộp lại cho lực lượng công an để không gây ra hậu quả đáng tiếc".

Người dân chủ động giao nộp các loại vũ khí

Theo Thượng tá Đình Thanh Tùng, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Đắk Nông, từ năm 2023 đến nay, lực lượng Công an trên toàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 120 buổi tuyên truyền tập trung với 15.789 lượt người tham gia.

Trong đó, lực lượng chức năng đã vận động cá biệt 6.532 lượt đối tượng và tổ chức cho 22.613 người dân ký cam kết không mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ và pháo nổ; cấp phát 161.139 tờ rơi, áp phích tuyên truyền tác hại của việc sử dụng vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ.

Ngoài ra, lực công an cũng xây dựng, đăng tải phát sóng 196 tin, bài, phóng sự trong chuyên mục, bản tin an ninh trật tự... trên các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ trên mạng xã hội Zalo, Facebook, YouTube...

Qua đó, người dân đã tự giác giao nộp 5 súng quân dụng, 542 súng tự chế, 1.407 viên đạn, 5 lựu đạn, bom, mìn, 11 công cụ hỗ trợ, 110 vũ khí thô sơ, 9 linh kiện đẻ lắp ráp súng tự chế...

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng công an trên toàn tỉnh đã vận động người dân giao nộp 244 súng tự chế, 3 bom, mìn, 247 viên đạn...

Theo Thượng tá Đình Thanh Tùng, để xoá bỏ tình trạng người dân sử dụng vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ trái phép trên địa bàn thì công tác tuyên truyền vận động phải được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thường xuyên, liên tục.

Từ đó, giúp người dân hiểu, đồng tình, ủng hộ, tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện, các cấp ngành cần phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an các cấp, nhất là công an xã, phường, thị trấn thực hiện tốt phương châm “Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”.

Phát động sâu rộng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Kêu gọi người dân tích cực phát hiện, tham gia tố giác, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về hành vi chế tạo, sản xuất, mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí - vật liệu nổ - công cụ hỗ trợ và pháo nổ trái phép. Từ đó, để vận động thu hồi hoặc đấu tranh xử lý, bảo đảm an toàn cho chính người dân và cả cộng đồng.

PHAN TUẤN