Trong gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống con người, trong đó có cả đời sống tôn giáo. Những mất mát về con người, thiệt hại kinh tế xã hội được dự báo sẽ còn tiếp diễn khi dịch bệnh chưa thể dập tắt.
Thực tế, đại dịch đã làm thay đổi căn bản các hoạt động tôn giáo không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu. Trước kia, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo thường diễn ra ở các cơ sở tôn giáo, thờ tự với sự tập trung của các tín đồ. Nhưng nay, trước yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hoạt động này đã có những điều chỉnh, thay đổi để thích ứng với tình hình mới.
Theo Đại đức Thích Thanh Phúc - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Quang, Trụ trì chùa An Vinh (tp Tuyên Quang) cho rằng trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp và những nguy cơ luôn thường trực thì sự tập trung nhiều người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo sẽ thực sự là một hiểm họa cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Trước yêu cầu của tình hình mới, cùng với những thông báo, chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Quang với hơn 17.000 tín đồ, tăng ni phật tử đã kịp thời điều chỉnh các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng cho phù hợp.
Đại đức Thích Thanh Phúc cho biết, trong hai năm qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Quang đã tạm dừng các hoạt động của Lễ Phật Đản và lễ Vu Lan báo hiếu trên quy mô lớn. Chỉ tổ chức ở phạm vi rất nhỏ hẹp, không mời các đại biểu tham dự cũng như không tập trung tín đồ phật tử để hành lễ.
Trong khi hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu kết nối tuyến tới các cơ sở thờ tự, tới từng phật tử thì Giáo hội Phật giáo tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền để các phật tử hành lễ ngay tại gia, không tập trung đông người. Việc này dựa trên tinh thần tự giác của mỗi phật tử nhưng cũng đã thể hiện tinh thần Phật giáo đồng hành, không đứng ngoài công tác chống dịch.
Nếu như trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, các khóa tu mùa hè, các khóa lễ tại chùa An Vinh luôn có cả trăm tới hàng nghìn phật từ gần xa thới tham dự thì nay việc này đã tạm dừng. Các tăng ni phật tử tại các cơ sở thờ tự thực hiện nghiêm sinh hoạt nội viện, không ra ngoài nơi đông người.
Đồng hành cùng sĩ tử trong các mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã là một công việc thường niên nhiều năm nay của Giáo hội Phật giáo tỉnh. Nhưng từ 2 năm nay, trước yêu cầu của công tác chống dịch, việc này đã được tổ chức với quy mô nhỏ hơn.
Đại đức Thích Thanh Phúc thông tin thêm, mọi năm, chương trình tiếp sức mùa thi có sự tham gia của vài trăm tăng ni phật tử để chuẩn bị hàng nghìn suất cơm cho các em học sinh. Nhưng từ hai năm nay, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã điều chỉnh giảm số phật tử tham gia trực tiếp và thay vào đó là hỗ trợ bằng những nguồn lực khác nhau cho cơ quan chức năng để hỗ trợ tới các thi sinh.
Đại dịch COVID-19 xảy ra cũng là lúc những thông tin trái chiều về dịch bệnh trên mạng xã hội lan truyền. Bằng những việc làm thiết thực, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tích cực tuyên truyền tới các phật tử không tham gia cổ xuý, chia sẻ những thông tin sai lệch ảnh hưởng tới công tác phòng chống dịch bệnh của Nhà nước.
Trên thực tế, việc này đã mang lại những kết quả tích cực khi các phật tử có được cách nhìn nhận và hành động đúng từ đó lan tỏa tới con em người thân của mình với hành động thiết thực cùng đẩy lùi dịch bệnh.
Không chỉ có những thích ứng, chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, thời gian qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh Tuyên Quang đã có những hành động thiết thực, cụ thể đối với công tác bảo vệ môi trường. Giáo dục và lan tỏa việc này tới từng phật tử.
Theo Đại đức Thích Thanh Phúc, đã từ nhiều năm nay, những hoạt động thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải tâm linh như ban thờ, bát hương, đồ tế lễ... xả ra các dòng sông được Giáo hội Phật giáo tỉnh triển khai thường xuyên. Trực tiếp Giáo hội tỉnh đi làm việc này, nhờ đó giá trị lan tỏa và thay đổi nhận thức tới các Phật tử là rất tích cực.
Đơn cử như việc đốt vàng mã, Đại đức Thích Thanh Phúc cho biết, sẽ thật khó để đặt mục tiêu "không vàng mã" nhưng bằng sự tuyên truyền giải thích, cơ bản tín đồ phật tử đã hiểu và hạn chế việc này. Ngay như trong chùa An Vinh, đã từ lâu không còn việc đốt vàng mã.
Rồi những định hướng kịp thời tới phật tử như thả cá không thả túi nilon ngày 23 tháng Chạp hàng năm hay trồng cây xanh tại các cơ sở thờ tự, tặng cây xanh cho các tổ chức tôn giáo... đã mang lại những hiệu quả tích cực. Tăng ni, phật tử đã hiểu và ý thức hơn về bảo vệ môi trường cung như tích cực tham gia vào công tác này.
Đây cũng chính là điểm mạnh của các tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng. Bởi những giá trị tốt đẹp có ý nghĩa lan tỏa của Phật giáo trong đời sống xã hội, hướng con người tới giá trị chân thiện mỹ, sống tốt đời đẹp đạo. Trong mọi hoàn cảnh những giá trị ấy luôn toả sáng và đã được minh chứng trong hàng nghìn năm qua.
Đại dịch rồi cũng sẽ qua, nhưng chính sự chủ động, linh hoạt với những thay đổi rất kịp thời của Giáo hội Phật giáo đã cho thấy sự đóng góp cũng như trách nhiệm xã hội và những giá trị tốt đẹp của Phật giáo trong lòng dân tộc.