Gần 800 tỉ đồng hỗ trợ nông dân Hà Nội phát triển kinh tế

KHÁNH AN |

Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội đứng đầu cả nước với gần 800 tỉ đồng, giúp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế.

Ngày 4.1, Hội Nông dân thành phố tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2023, triển khai nhiệm vụ và phát động thi đua năm 2024. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền dự hội nghị.

Năm 2023, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Thành ủy Hà Nội với sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của giai cấp nông dân Thủ đô, Hội Nông dân thành phố tập trung chỉ đạo các cấp Hội tổ chức thành công Đại hội đại biểu Hội Nông dân các cấp thành phố; phát động các phong trào thi đua gắn với chủ đề công tác năm của Trung ương, thành phố và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, đạt nhiều kết quả nổi bật.

Nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố Hà Nội đứng đầu cả nước với gần 800 tỉ đồng, giúp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế.

Năm 2024, Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố xác định triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm với chủ đề: “Hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số và liên kết hợp tác, chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: hanoi.gov
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: hanoi.gov

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị, các cấp Hội cần khắc phục khó khăn, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời, thực hiện công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động nông dân tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ môi trường.

Hội cần chú trọng hơn nữa đến công tác vận động hội viên nông dân phát huy nội lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng; tổ chức tốt hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành làm tốt công tác dạy nghề, chuyển nghề cho nông dân, đặc biệt là nông dân vùng thu hồi đất giải phóng mặt bằng.

Thêm vào đó, Hội cần tiếp tục khuyến khích, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh tích tụ đất nông nghiệp, tham gia thị trường cho thuê đất nông nghiệp; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng trong cán bộ, hội viên nông dân, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

"Hội cần chủ động góp ý, đề xuất các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân" - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

KHÁNH AN