Doanh nghiệp vắng chủ, công nhân mắc kẹt với bảo hiểm
Chị Phan Thị Út, 45 tuổi, làm công nhân chi nhánh công ty TNHH KNA Apparel Sourcing Việt Nam tại (huyện Vĩnh Cửu) được khoảng 3 năm nay, nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2023, chị và hàng chục công nhân khác đã phải kêu cứu khắp nơi do công ty không chốt bảo hiểm xã hội.
Chị Út cho biết: “Tôi làm suốt 3 năm, tháng lương nào của tôi cũng bị trừ tiền đóng BHXH, nhưng công ty mới chốt BHXH khoảng hơn 1 năm, thời gian còn lại chưa chốt cho tôi, còn nợ tiền lương hơn 5 triệu đồng”. Do công ty chưa chốt BHXH, chị Út phải đi làm công nhân thời vụ, chưa vào được công ty chính thức do đang vướng lình xình về BHXH.
Một trường hợp khác vào trước đó Tết Nguyên đán 2023, chủ Công ty TNHH may mặc Minh Giang đóng tại TP Biên Hoà cũng mất tăm để lại hàng chục công nhân bơ vơ cùng với khoản tiền nợ thuê nhà hơn 660 triệu đồng và nợ tiền lương của 20 công nhân với số tiền gần 250 triệu đồng, nợ BHXH trong 2 tháng cũng chưa đóng cho NLĐ.
Tình trạng doanh nghiệp vắng chủ hoặc chủ cắt đứt liên lạc với công nhân thường xuyên diễn ra những năm gần đây. Trước đó năm 2018, tại Đồng Nai, chủ Công ty TNHH KL Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) cũng bỗng nhiên mất tích trong khi còn nợ lương của NLĐ, chưa đóng bảo hiểm xã hội…, khiến hàng ngàn lao động thất nghiệp và cuộc sống lâm vào khó khăn. May mắn là chính quyền địa phương khi đó đã kịp thời vào cuộc hỗ trợ lao động có tiền về quê đón Tết cùng gia đình.
Hơn 300 đơn vị nợ bảo hiểm được nhắc tên
Theo danh sách các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN… từ 3 tháng trở lên, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng trên 300 đơn vị được nhắc tên. Trong đó có những doanh nghiệp mặc dù ít lao động, nhưng nợ BHXH hàng chục tháng. Như Công ty CP L. tại huyện Long Thành chỉ có hơn 60 lao động nhưng nợ BHXH tới 75 tháng với tổng số tiền nợ hơn 40 tỉ đồng; Công ty TNHH Xây dựng T.L ở huyện Xuân Lộc nợ tới 102 tháng bảo hiểm của 3 lao động; Công ty TNHH MTV Cồn T.L cũng ở huyện Xuân Lộc có hơn 100 lao động nợ 17 tháng bảo hiểm…
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản, giải thể, mất khả năng thanh toán dẫn đến việc không thực hiện trích nộp hoặc thực hiện trích nộp không kịp thời các khoản BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN theo quy định. Do đó, NLĐ không kịp thời được hưởng các chế độ BHXH như ốm đau, thai sản, không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có đủ chiêu để không đóng BHXH cho NLĐ như thực hiện không đúng chế độ, chính sách đối với NLĐ, phổ biến là không tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN; không trả lương, thưởng hoặc trả không đúng quy định, giải quyết chế độ BHXH không kịp thời, cắt xén quyền lợi của NLĐ; chiếm dụng phần đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh...
Hiện Sở LĐTBXH đã và đang phối hợp BHXH tỉnh Đồng Nai mời làm việc các doanh nghiệp để kiểm tra xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN và tình hình giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động.