Mới đây, Công ty TNHH Tỷ Hùng (TP.Hồ Chí Minh) buộc cho nghỉ việc 1.200 công nhân. Lý do là đối tác nhập khẩu của công ty này (chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu, thị trường chủ yếu là EU) đang gặp khó khăn, chịu nhiều thiệt hại bởi tình hình kinh tế không mấy khả quan, nên không ký kết các đơn hàng mới.
Tiếp đó, Công ty TNHH Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công các loại giày thể thao xuất khẩu ở huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) dự kiến cắt giảm gần 1.500 lao động do thiếu đơn hàng.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, việc làm của người lao động ảnh hưởng.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Theo đó, 441 doanh nghiệp chịu tác động.
Đáng chú ý, có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm; 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động; 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc...
Về vấn đề này, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, đây là giai đoạn phục hồi của thị trường lao động, song vẫn có những doanh nghiệp chịu những ảnh hưởng tiêu cực sau đại dịch. Đây là điều cả doanh nghiệp và người lao động không mong muốn.
Trước thực tế này, ông Trung cho hay, những doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho người lao động. Cùng với đó, tăng cường đào tạo nghề dự phòng cho họ. Các đơn vị lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai.
"Chúng ta nên cố gắng làm sao giữ được người lao động. Trong lúc ngắt quãng sản xuất này, nên tổ chức nâng cao trình độ cho người lao động. Sau đó, doanh nghiệp sẽ "hứng" đón việc phục hồi, phát triển kinh tế, tái cấu trúc, chuyển đối cơ cấu ngành nghề tiếp nhận đơn hàng trong thời gian tới" - ông Trung nói.
Với những doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề việc làm, cần phải hiện quy trình cắt giảm việc làm, lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Ở đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn địa phương cần có hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động mất việc, đặc biệt vấn đề tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Về phía người lao động, chuyên gia này cho rằng họ cần nhận thức đẩy đủ, có sự chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh bị giảm đơn hàng.
Người lao động cần biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, trong đó đặc biệt chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian này, người lao động nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức. Bên cạnh đó, họ cần chủ động với Trung tâm dịch vụ việc làm để được sắp xếp, bố trí việc làm.
Nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm cho rằng, Trung tâm dịch vụ việc làm địa phương tăng cường thông tin về thị trường lao động. Trung tâm dịch vụ việc làm hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động.
"Hiện nay, trên thị trường cũng có rất nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm cần nắm thông tin thị trường lao động cung ứng lao động các đơn vị giải quyết việc làm ngắn nhất, phù hợp nhất với người lao động lúc khó khăn" - ông Trung nói thêm.