Đắk Lắk chủ động sử dụng nguồn nước hiệu quả chống hạn cho cây trồng

PHAN TUẤN |

Đắk Lắk - Trong bối cảnh hạn hán đang diễn biến phức tạp thì nhà máy thủy điện trên sông Krông Nô đang chủ động điều tiết nguồn nước bảo đảm cho vùng hạ lưu. Trong bối cảnh này, xã Ea Rbin (huyện Lắk) được đánh giá là một trong những địa phương chủ động nạo vét kênh mương, nối dài ống bơm... để sử dụng tối đa nguồn nước chống hạn cho cây trồng.

Nhà máy thủy điện điều tiết nước cho hạ lưu

Hồ chứa thủy điện Buôn Tu Srah là hồ chứa lớn nhất khu vực thượng nguồn sông Krông Nô. Thế nên, việc vận hành của nhà máy thủy điện này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã ở khu vực hạ lưu.

Theo ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, năm nay, hiện tượng El Nino rất rõ, lưu lượng nước về hồ rất thấp so với những năm trước. Mặc dù cuối năm 2023 hồ Buôn Tua Srah có dung tích 522 triệu mét khối đã cơ bản tích đầy nước, nhưng để cung cấp nước trong suốt 7 tháng mùa khô thì đòi hỏi phải điều tiết hợp lý.

Những ngày qua đang là cao điểm mùa khô, lượng nước về hồ Buôn Tua Srah chỉ đạt khoảng 20 m3/s, có ngày thấp chỉ 16 m3/s. Do đó, công ty đã làm việc với hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để nắm thông tin về nhu cầu sử dụng nước của địa phương và lên kế hoạch điều tiết nước trên cơ sở tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính quyền xã Ea Rbin phối hợp với người dân, cơ quan chuyên môn nối ống dài ống bơm xuống dòng sông Krông Nô để sử dụng nước chống hạn cho cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn
Chính quyền xã Ea Rbin phối hợp với người dân, cơ quan chuyên môn nối ống dài ống bơm xuống dòng sông Krông Nô để sử dụng nước chống hạn cho cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn

Hiện nay, lưu lượng bình quân ngày theo quy trình vận hành mà đơn vị đang xả là hơn 60m3/s. Công ty sẽ bảo đảm tính toán điều tiết nguồn nước từ nay cho đến tháng 7.2024 để các vùng hạ lưu sử dụng nước chống hạn cho cây trồng.

"Bên cạnh sự cố gắng điều tiết nguồn nước để bảo đảm cho cây trồng của công ty thì các địa phương, phải có sự chủ động trong việc sử dụng nguồn nước hiệu quả để phòng chống hạn" - ông Trần Văn Khanh cho biết thêm.

Chủ động sử dụng nguồn nước hiệu quả

Đơn cử như xã Ea R’bin, huyện Lắk ở hạ lưu sông Krông Nô. Địa phương này hiện có 1.367ha đất nông nghiệp. Trong đó, khoảng 800ha cây trồng các loại phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ sông Krông Nô.

Ông Đặng Xuân Kiên, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ea Rbin cho biết, lưu lượng mực nước sông thấp khiến cho các bể hút của trạm bơm thường xuyên không có nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung ứng nước tưới phục vụ sản xuất.

Xã Ea Rbin chủ động nạo vét các đường dẫn nước bị tắc nghẽn để thuận lợi sử dụng cho cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn
Xã Ea Rbin chủ động nạo vét các đường dẫn nước bị tắc nghẽn để thuận lợi sử dụng cho cây trồng. Ảnh: Phan Tuấn

Trạm bơm điện buôn Phôk, có công suất tưới cho 60ha lúa nước và hoa màu; tạo nguồn tưới chủ động cho hơn 40ha cây trồng khác. Mới đây, bể hút của trạm bơm buôn Phôk xuất hiện tình trạng nằm cao hơn mực nước sông Sêrêpốk nên không có nước để bơm tưới cho cây trồng.

Trước thực tế trên, xã Ea Rbin đã phối hợp với đơn vị chuyên môn thực hiện nối ống hai ống hút kéo dài thêm 15m so với vị trí hiện tại. Sau khi khắc phục, hiện ống hút của hai máy bơm đã kéo dài ra tận đáy sông Krông Nô để sử dụng tối đa nguồn nước.

Tương tự, Trạm bơm điện Ea R’bin 2, có công suất tưới cho 120ha lúa nước và hoa màu, đồng thời tạo nguồn chống hạn cho khoảng 80ha cây trồng ở vùng lân cận. Vừa qua, trạm bơm này đã bị sạt lở tại vị trí cửa bể hút nên nước không thể dẫn vào bể thu nước.

Liền sau đó, xã Ea Rbin đã phối hợp với Chi nhánh Công ty khai thác công trình thủy lợi tại huyện Lắk tổ chức vận động người dân tiến hành nạo vét thủ công để khơi thông, lấy nước từ sông Krông Nô vào bể hút.

"Gia đình tôi có 4 sào lúa nước phục vụ cho gia đình sử dụng trong cả năm. Vừa qua ở địa phương xảy ra tình trạng các trạm bơm không thể hoạt động vì mực nước sông xuống thấp. Thế nhưng, sự việc này nhanh chóng được các ngành chức năng khắc phục, bảo đảm cho cây lúa, hoa màu và nhiều cây trồng khác có đầy đủ nguồn nước sử dụng trong mùa khô cạn" - anh Y Diệu, một người dân ở xã Ea Rbin chia sẻ.

PHAN TUẤN