Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh Đại tướng
UBND TPHCM vừa tổ chức lễ đổi tên Xa lộ Hà Nội thành đường Võ Nguyên Giáp (từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức) ngày 23.8. Theo đó, gần 8km Xa lộ Hà Nội - tuyến đường huyết mạch cửa ngõ phía Đông TPHCM được gắn bảng tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, việc đổi tên giúp hình thành một trục đường xuyên suốt gồm Xa lộ Hà Nội - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ, tạo sự gắn kết giữa sự kiện lịch sử - chiến dịch Điện Biên Phủ với nhân vật lịch sử - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, nâng cao tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của nhân dân.
Còn tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã tổ chức triển lãm ảnh “Dấu ấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Điện Biên Phủ”. Triển lãm thu hút đông đảo người dân, du khách tới tham quan trong đó có nhiều đoàn cựu chiến binh từ mọi miền Tổ quốc trở về đây để tưởng nhớ vị tướng huyền thoại - Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trên đây là một số trong số rất nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911 - 25.8.2023) được tổ chức trên khắp mọi miền tổ quốc, cũng là dịp nhằm tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của vị tướng huyền thoại đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vị tướng huyền thoại trong lòng nhân dân
Xúc động khi nhắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 - từng bày tỏ: Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn tự hào về Quân đội ta – một đội quân bách chiến, bách thắng với bề dày gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; tự hào và ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Người anh cả” của Quân đội ta, một vị tướng tài ba, xuất chúng không chỉ của Việt Nam mà còn mang tầm vóc thế giới.
Theo tướng Nguyễn Quốc Thước, tưởng nhớ, tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là cội nguồn thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, để Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng mãi mãi là đội quân chiến đấu, lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng là người may mắn khi có hơn 40 năm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho phép theo sát các sự kiện trọng đại và chụp hình mọi lúc, mọi nơi. Ông chia sẻ nhiều kỷ niệm, nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những khoảnh khắc bình dị đời thường trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Trong suốt 40 năm được chụp Đại tướng, với hàng ngàn bức ảnh, ông vẫn vô cùng xúc động khi nhìn lại những khoảnh khắc đời thường bình dị của vị tướng huyền thoại. Sự vĩ đại của Đại tướng chính là ở sự bình dị, đơn sơ, gần gũi ấy.
"Đại tướng của chúng ta không chỉ là vị tướng lừng danh, trí dũng song toàn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn mà Đại tướng rất đam mê nghệ thuật, yêu âm nhạc và say mê nhiếp ảnh đến lạ lùng” - Đại tá Trần Hồng chia sẻ.
Theo Đại tá Trần Hồng, trên thế giới có nhiều tướng tài nhưng họ thiên về mặt quân sự và khó ai có thể sánh với Võ Nguyên Giáp bởi chất nhân văn của ông. "Vậy nên từ lúc bước vào con đường binh nghiệp cho đến khi ông trở về với đất mẹ, lòng dân luôn hướng về Tướng Giáp” - Đại tá Trần Hồng nhấn mạnh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25.8.1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước.
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng khởi đầu từ năm 1944, với sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từ 34 chiến sĩ đầu tiên "từ nhân dân mà ra", đội quân đó dưới sự lãnh đạo của Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã trải qua những năm tháng "chiến đấu trong vòng vây" của kẻ thù; trưởng thành vượt bậc qua từng trận đánh, từng chiến dịch; và đánh bại thực dân Pháp với chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".