Kiên trì, vượt khó
Đầu thế kỷ XX, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời, ngày càng lớn mạnh và không ngừng trưởng thành, có vai trò quyết định trong tiến trình cách mạng nước ta. Hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân đang cùng dân tộc tiến bước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế.
Trong thời kỳ mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, tham gia vào toàn cầu hóa, Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục được thể hiện trên nhiều phương diện.
TS Trần Thị Hương (Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, giai cấp công nhân nước ta là lực lượng đặc biệt quan trọng duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm công nghiệp, đóng góp chủ yếu vào ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng tạo nên thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới.
Cụ thể, bước vào thời kỳ đổi mới, các ngành kinh tế nước ta, nhất là lĩnh vực công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giai cấp công nhân kiên trì khắc phục khó khăn, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, dần thích ứng với cơ chế quản lý mới, nâng cao năng suất lao động, tạo ra khối lượng sản phẩm công nghiệp, đóng góp chủ yếu vào ngân sách Nhà nước.
Công nhân là lực lượng lao động trực tiếp thúc đẩy sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi, giá trị gia tăng ngành công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 6,9%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu công nghiệp tăng…
Giá trị ngành công nghiệp hàng năm tăng cao, trong đó có công sức, trí tuệ của giai cấp công nhân, đóng góp chủ yếu vào giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP), góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Cũng theo bà Hương, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, giai cấp công nhân nước ta là một trong những giai cấp, tầng lớp xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có của bước chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện từ xây dựng, phát triển nền kinh tế đất nước nói chung, phát triển kinh tế công nghiệp nói riêng theo mô hình hành chính, tập trung bao cấp sang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Đây là nhiệm vụ nặng nề, mới mẻ, trong khi đó, phong cách, lề lối làm việc của công nhân còn chịu tác động của cơ chế hành chính, tập trung bao cấp.
"Song, phát huy truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất và tiên phong, giai cấp công nhân vẫn luôn giữ vững và thể hiện là giai cấp lãnh đạo cách mạng nước ta trong điều kiện mới. Điều này được Đảng ta khẳng định tại Hội nghị Trung ương 6 khóa X: Giai cấp công nhân nước ta “Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”" - TS Trần Thị Hương khẳng định.
Lực lượng quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá
Cùng trao đổi về việc này, theo ông Lê Văn Cuông (Nguyên Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá), sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là nhân tố quan trọng để đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau 35 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cũng theo ông Cuông, trong công cuộc đổi mới, nhất là từ khi bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân có vai trò đặc biệt quan trọng. Giai cấp công nhân trực tiếp làm việc trong các công xưởng, nhà máy, doanh nghiệp, trong các lĩnh vực của ngành kinh tế công nghiệp, trực tiếp tiếp nhận công nghệ tiên tiến đưa vào sản xuất, cải tiến công cụ, quy trình, quản lý...
Đó là những người chủ trong ngành công nghiệp, người đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay.
Một vai trò quan trọng khác được ông Cuông nêu ra đó là, giai cấp công nhân nước ta “là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Ông Cuông phân tích, trong thực tế, quan hệ giữa công nhân với nông dân và trí thức đã hình thành nên khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức đã, đang và sẽ thúc đẩy sự hợp tác, liên minh, liên kết của công nhân với trí thức và nông dân; từ đó hình thành, phát triển các nhóm xã hội giáp ranh, đan xen giữa công nhân và trí thức, giữa công nhân và nông dân.
Các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, liên minh, liên kết giữa các giai tầng xã hội. Thông qua đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, số lượng, chất lượng lao động, để tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
"Hiện nay, trong thời kỳ mới, liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức càng có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng CNXH trong điều kiện mới. Liên minh ấy chỉ có thể phát huy và khẳng định vai trò khi được xây dựng, củng cố vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức theo đường lối, quan điểm của Đảng, lập trường của giai cấp công nhân" - ông Cuông nói.