Ngày 5.12, bà Chu Thị Xuân Hảo - Trưởng Ban Tuyên giáo, Nữ công LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua theo dõi của LĐLĐ tỉnh, một số đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng đông lao động nữ đã thường xuyên quan tâm cải thiện môi trường làm việc, nhà vệ sinh, khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là khám sức khỏe sinh sản, chế độ làm việc trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi...
LĐLĐ tỉnh cũng đã xây dựng chương trình phối hợp với Bệnh viện A Thái Nguyên về chương trình chăm sóc thai sản cho nữ công nhân, viên chức, lao động trên địa bàn, đã có trên 10.000 nữ đoàn viên được thụ hưởng các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Ban Nữ công công đoàn các cấp đã tham mưu cho Ban Chấp hành công đoàn phối hợp với chuyên môn đồng cấp tổ chức các hoạt động chăm sóc trẻ em, tham gia các hoạt động vì cộng đồng chung tay phòng chống dịch COVID-19, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho chị em phụ nữ và con công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn, bệnh hiểm nghèo, chị em phụ nữ gặp khó khăn do dịch COVID-19 trị giá từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng/suất; 50% đơn vị doanh nghiệp duy trì thực hiện việc hỗ trợ tiền gửi trẻ, nhà ở, trợ cấp đời sống cho người lao động từ 15.000 đồng đến 400.000 đồng/người/ tháng.
LĐLĐ tỉnh đã vận động và trao tặng 5 tấn gạo tại chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương giúp phụ nữ và trẻ em vượt khó khăn, chiến thắng dịch bệnh”, trị giá 75.000.000 đồng.
Các hoạt động chăm sóc, tặng quà con công nhân, viên chức, lao động nhân dịp Tết Trung thu, chương trình “Thắp sáng niềm tin, tiếp sức em tới trường”; hỗ trợ phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ trong khu cách lý tập trung với tổng số kinh phí trên 100 triệu đồng.
Hưởng ứng “Tuần lễ áo dài”, LĐLĐ tỉnh phối hợp với các đơn vị trong nhóm thi đua số 3, quyên góp, ủng hộ 1.000 bộ áo dài và Tủ áo dài tại một số huyện vùng sâu, vùng xa.
Từ các nguồn vốn do LĐLĐ tỉnh quản lý, các cấp công đoàn triển khai hướng dẫn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, trong đó nữ lao động được vay vốn chiếm trên 60%; có 21 chị được hỗ trợ xây dựng Mái ấm công đoàn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ, phát triển đảng viên nữ được các cấp công đoàn quan tâm, phối hợp với chính quyền chuyên môn đồng cấp xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, trong thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể có điều khoản có lợi đối với lao động nữ, nhằm tạo điều kiện, khuyến khích chị em khắc phục những khó khăn để phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Theo bà Chu Thị Xuân Hảo, trong thời gian tới, các cấp công đoàn cần thường xuyên nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc trong đời sống của nữ công nhân, viên chức, lao động để có biện pháp phối hợp giải quyết kịp thời.
Tham mưu cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo điều kiện cho nữ công nhân, viên chức, lao động được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; bố trí sử dụng lao động nữ hợp lý nhằm phát huy được năng lực và sở trường của họ.
Triển khai sâu rộng phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" gắn với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" trong nữ công nhân, viên chức, lao động.
Chú trọng xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, cụ thể hóa nội dung thi đua, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với nữ công nhân, viên chức, lao động trong từng loại hình đơn vị.