Tới dự có các ông: Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Văn Nạ Xay Thêp Thị Lạt - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; Andrey Borodenko - Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nga tại Việt Nam; Jose Santiago Olaguera - Bí thư thứ ba Đại sứ quán Philipines tại Việt Nam; TS.Rozhkov Vladimir Dmitrievich - Phó Giám đốc Học viện Lao động và quan hệ xã hội Liên bang Nga.
Dự Hội thảo còn có TS.Lê Cao Thắng - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn; đại diện các bộ, ban ngành; các tổ chức quốc tế; Liên đoàn Lao động các địa phương; các trường đại học….
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá cao Trường Đại học Công đoàn tổ chức Hội thảo với chủ đề này bởi hiện Việt Nam đang sửa đổi, bổ sung các chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách cho lao động di cư; giảm tối đa sự đói nghèo.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam bày tỏ mong muốn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, Hội thảo sẽ mổ sẻ, đưa ra nhiều góc nhìn khác nhau. Các thông tin tại Hội thảo sẽ đóng góp vào việc hoàn thiện chính sách an sinh xã hội.
Thông tin từ hơn 100 bài viết gửi về và những tham luận trực tiếp tại Hội thảo tập trung các nội dung chính: Thực tiễn lao động di cư; những trở ngại trong thực thi chính sách an sinh xã hội cho lao động di cư và nguyên nhân của những trở ngại; giải pháp khắc phục trở ngại nhằm thực thi hiệu quả chính sách an sinh xã hội cho lao động di cư được hưởng thụ chính sách…
Trong đó, TS. Rozhkov Vladimir Dmitrievich - Phó Giám đốc Học viện Lao động và quan hệ xã hội Liên bang Nga chia sẻ 3 mô hình điều tiết về lao động di cư và nguyên tắc nhà nước điều tiết về lao động di cư tại Nga.
Tại Việt Nam, theo TS Nguyễn Hải Hữu - Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam (Hiệp hội các trường đào tạo nghề công tác xã hội) tại các khu công nghiệp, chế xuất, thực tế cho thấy do những bất cập về nhận thức, quản lý, hạ tầng cơ sở, năng lực cung cấp dịch vụ của địa phương nơi tạm trú khi số lượng trẻ em là con công nhân di cư tạm trú gia tăng, đặc thù về thời gian việc làm của người lao động tại các khu công nghiệp và một số bất cập của chính sách về y tế, giáo dục đối với trẻ em đã tạo ra những rào cản, khó khăn đến quá trình tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục của trẻ em di cư.
Còn TS Dương Thị Thanh Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại Công đoàn đưa ra một trong những giải pháp khắc phục trở ngại nhằm thực thi hiệu quả chính sách an sinh xã hội cho lao động di cư được hưởng thụ chính sách là đối thoại trực tiếp với lao động di cư để giải quyết các thắc mắc trong chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội và ưu đãi xã hội, giúp lao động di cư hiểu hơn về chính sách an sinh xã hội, từ đó góp phần huy động được nhiều hơn sự đóng góp cho quỹ bảo hiểm…
PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết xuất phát từ thực, Trường Đại học Công đoàn - cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư ở Việt Nam” nhằm góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư, đồng thời kết nối các chuyên gia, các nhà khoa học xây dựng hệ thống giải pháp nhằm hoàn thiện và thúc đẩy chính sách an sinh xã hội đối với lao động di cư trên phạm vi quốc gia và quốc tế.