Thưa Chủ tịch, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Tổng LĐLĐVN đã đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?
- Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tới nay, Công đoàn đã rất chủ động đồng hành với doanh nghiệp trong việc phòng chống dịch và duy trì sản xuất. Các cấp công đoàn đã tiếp tục tuyên truyền, vận động công nhân, lao động thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch, không chủ quan, lơ là hay hoang mang, lo sợ quá mức khi có ca F0 tại doanh nghiệp; vận động CNLĐ ngoại tỉnh ở lại làm việc...
Cùng với đó, Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động triển khai các giải pháp sản xuất như phân luồng ca kíp, bố trí tham gia hỗ trợ xét nghiệm tầm soát bệnh và tiêm vaccine cho CNLĐ, triển khai các mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường, hai điểm đến”. Công đoàn đã chủ động bàn bạc, thương lượng với người sử dụng lao động đảm bảo chế độ chính sách về lương/thu nhập trong điều kiện phải thực hiện các biện pháp phòng dịch như giãn, hoãn, tạm dừng sản xuất, đồng thời tuyên truyền, vận động người lao động chia sẻ các khó khăn, đồng thuận với các kế hoạch duy trì sản xuất của doanh nghiệp.
Tổng LĐLĐVN đã kiến nghị với Chính phủ cho doanh nghiệp hạch toán chi phí phòng chống dịch vào chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp; kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vaccine cho CNLĐ để doanh nghiệp sản xuất an toàn. Các cấp công đoàn tham gia với chính quyền địa phương và doanh nghiệp xử lý tình huống khi có ca F0 trong doanh nghiệp như: Tận dụng các cơ sở vật chất của công đoàn tại các khu vực tập trung đông công nhân, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao làm các điểm cách ly tạm thời theo phương án của địa phương; cách ly ngay F0, tổ chức khoanh vùng, truy vết nhanh F1, phân loại chuyển cách ly tập trung... Công đoàn tham gia hỗ trợ tổ chức điểm cách ly; giám sát chặt chẽ các điều kiện nhằm đảm bảo an toàn lao động trong điều kiện phải phong tỏa hoặc “vừa sản xuất-vừa cách ly”; phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức chăm lo, hỗ trợ đảm bảo ăn uống, điều kiện sinh hoạt cần thiết.
Tổng LĐLĐVN đã chủ động phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ban hành văn bản số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM hướng dẫn tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt “3 tại chỗ” nhằm đạt được mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ. Phối hợp với người sử dụng lao động thành lập hơn 53,2 nghìn tổ an toàn COVID-19 trong gần 10,2 nghìn doanh nghiệp và trong cộng đồng để thực hiện công tác phòng chống dịch.
Nhằm hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp trong lúc khó khăn do dịch bệnh, Tổng LĐLĐVN có các chính sách về lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn, miễn nộp đoàn phí Công đoàn cho đoàn viên có thu nhập thấp để người lao động có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động thực hiện phương án “3 tại chỗ” của Tổng LĐLĐVN đã góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, có thêm nguồn lực duy trì sản xuất. Tổng LĐLĐVN Lao động Việt Nam đã phát động cuộc vận động “Sáng kiến: vượt khó, phát triển” và phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Qua đó kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cả nước đoàn kết một lòng, đồng cam, cộng khổ, vượt mọi khó khăn, thử thách, ra sức thi đua nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi sản xuất.
Có thể khẳng định, trong suốt quá trình phát triển, đặc biệt là trong những lúc doanh nghiệp khó khăn do khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh Công đoàn Việt Nam đã đồng hành, sẻ chia khó khăn với doanh nghiệp. Chúng tôi luôn ý thức, doanh nghiệp có phát triển lớn mạnh thì người lao động mới có việc làm và thu nhập ổn định.
“Người lao động là vốn quý của doanh nghiệp”. Để cùng “bảo tồn” nguồn vốn này, Công đoàn đã tổ chức chăm lo cho người lao động rất hiệu quả trong thời gian dịch bệnh. Xin Chủ tịch cho biết kết quả việc chăm lo người lao động, nhất là trong đợt dịch thứ 4?
- Chúng tôi nhận thức, việc chăm lo, hỗ trợ tốt cho người lao động trong lúc này cũng chính là cùng doanh nghiệp gỡ khó. Tổng LĐLĐVN đã có hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, Tổng LĐLĐVN quyết định chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai với mức hỗ trợ từ 1.000.000-2.000.000 đồng/người.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, Tổng LĐLĐVN luôn bám sát thực tiễn, chủ động xây dựng các chính sách, kế hoạch chăm lo đoàn viên, người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng LĐLĐVN đã ban hành hàng chục gói hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 như: Hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động trong khu cách ly - phong tỏa, thuộc diện F1, F0, CNLĐ tử vong với mức từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng; hỗ trợ bữa ăn cho người lao động làm việc theo hình thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” mức 1 triệu đồng/người; hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng, tăng cường chất lượng bữa ăn cho y, bác sĩ đang làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội mức một triệu đồng/người; mua bảo hiểm an toàn cho 20.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch.
Vừa mới đây, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã tiếp tục phê duyệt hỗ trợ 1 triệu “Túi an sinh Công đoàn” với mức 200.000 đồng/túi cho đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn tại các vùng dịch... Tính đến nay, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ cho các đối tượng hơn 5.178 tỉ đồng.
Các gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐVN và các cấp công đoàn đã kịp thời giúp người lao động gặp khó khăn duy trì cuộc sống, yên tâm ở lại khu cách ly, phong toả, làm việc tại các doanh nghiệp, khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh khủng hoảng.
Bên cạnh đó, Công đoàn cũng tích cực tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ NLĐ, kiến nghị, hướng dẫn, giải đáp để người lao động tiếp cận được với gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện trách nhiệm xã hội như: Ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam (VFVC) hơn 334,4 tỉ đồng; đóng góp hơn 50 tỉ đồng hưởng ứng chương trình “Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam” do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động…
Việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kịp thời nêu trên giúp CNLĐ khắc phục những khó khăn trước mắt, yên tâm phòng, chống dịch, giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp, sớm đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại, góp phần giúp kiểm soát được dịch bệnh, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, đồng chí có nhắn gửi gì đối với đội ngũ doanh nhân cả nước?
- Dịch bệnh COVID-19 đang tác động nặng nề đến hầu hết các doanh nghiệp. Thay mặt tổ chức Công đoàn Việt Nam, tôi hết sức chia sẻ và đồng cảm với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt. Cảm ơn các doanh nghiệp đã có các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho người lao động. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chắc chắn dịch bệnh COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát, đẩy lùi, để các doanh nghiệp nhanh được phục hồi, phát triển.
Dù khó khăn, tôi hy vọng các doanh nghiệp chủ động xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh, đảm bảo môi trường làm việc an toàn; tiếp tục quan tâm, coi người lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động vươn lên. Tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn đồng hành, chia sẻ với mọi khó khăn của doanh nghiệp. Với truyền thống dân tộc, phẩm chất của con người Việt Nam, tôi tin rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt khó và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.
-Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!