Cần giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

PHƯƠNG ANH |

Phát triển kinh tế tốt sẽ góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng là một trong những nội dung trọng tâm được đưa ra tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Sóc Trăng hiện nay”.

Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức vào sáng 30.11.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng - cho biết: Trong những năm qua, các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và các chương trình, dự án, chính sách có liên quan trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được kết quả tích cực.

Qua đó, đã góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung, hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước được cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo. Tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 4,5%/năm.

Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phương Anh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Phương Anh

Kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc được tập trung đầu tư, xây dựng; chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng lên; hệ thống trường dân tộc nội trú được quan tâm đầu tư xây dựng; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng DTTS tiếp tục được chú trọng thực hiện; bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS được giữ gìn và phát huy.

"Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS ổn định" - bà Đào thông tin thêm.

GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - nhận định: Mặc dù kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, hiện nay, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại tỉnh vẫn còn chậm; tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo trong đồng bào DTTS vẫn còn cao; việc tiếp cận các dịch vụ xã hội của đồng bào DTTS vẫn còn một số khó khăn; tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề còn thấp; công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS vẫn còn một số bất cập.

Theo ông Lợi, những hạn chế, bất cập trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS ở tỉnh Sóc Trăng cùng với những yêu cầu phát triển bền vững hiện nay, đòi hỏi cần phải có những giải pháp để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội.

Các đại biểu thảo luận bàn tròn tại Hội thảo. Ảnh: Phương Anh
Các đại biểu thảo luận bàn tròn tại hội thảo. Ảnh: Phương Anh

Ông Sơn Phước Hoan - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS ở Tây Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng cần có những giải pháp như cần có thể chế hóa, cụ thể hóa hoặc ít nhất cũng cần có định hướng khung cho các địa phương nhất là các chính sách liên quan đến tài chính, kinh tế, giáo dục, y tế, tổ chức, nhân sự và tôn giáo.

Củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; tăng cường đội ngũ cán bộ đảng viên, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Tăng cường khối đại đoàn kết, nâng cao ý thức cảnh giác, xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân.

Khai thác phát huy các phương tiện truyền thông, đa dạng hóa các loại hình thông tin để đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo và đấu tranh phản tuyên truyền, vạch trần âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.

Ông Sơn Phước Hoan nhấn mạnh, cần quan tâm chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí; chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học vùng đồng bào DTTS.

PHƯƠNG ANH