Đoàn Chủ tịch sẽ cho ý kiến, thảo luận 2 nhóm vấn đề: Thứ nhất, các nội dung thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Thứ hai, các nội dung Đoàn Chủ tịch cho ý kiến để trình Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 10.
Khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh đến nội dung Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch về Tăng cường hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Công đoàn Việt Nam.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp Công đoàn Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng cường hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động đối ngoại được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống theo quy chế quản lý thống nhất hoạt động đối ngoại. Hoạt động đối ngoại của Công đoàn Việt Nam được quan tâm cả về quan hệ đa phương và song phương. Thông qua hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế đã vận động, tranh thủ được sự hỗ trợ, hợp tác về kinh nghiệm, kỹ thuật và tài chính của các đối tác quốc tế, góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn. Từ thực tiễn quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai nghị quyết, cần có nhận định, đánh giá về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và phân tích các nguyên nhân, qua đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của nghị quyết trong thời gian tới.
Đối với nội dung sửa đổi quyết định số 273/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn về việc ban hành Quy định về tổ chức bộ máy quản lý tài chính công đoàn; tiêu chuẩn điều kiện, quy trình bổ nhiệm trưởng ban tài chính, trưởng phòng kế toán, bố trí phụ trách kế toán và chế độ phụ cấp trách nhiệm làm nhiệm vụ kế toán trưởng trong các đơn vị kế toán công đoàn, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho biết tại kỳ họp lần thứ 23, Đoàn Chủ tịch đã cho ý kiến vào sửa đổi 4 quy định, hướng dẫn về công tác tài chính Công đoàn. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định này nhằm hoàn thiện, đảm bảo cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật liên quan đến công tác tài chính công đoàn. Chủ tịch khẳng định đây là sửa đổi căn bản để phù hợp với tổ chức Công đoàn, phù hợp Điều lệ cũng như các quy định…
Hội nghị Đoàn Chủ tịch sẽ thảo luận, cho ý kiến vào một số các nội dung khác như Tờ trình Hướng dẫn công đoàn thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Quy định 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Tờ trình về Kế hoạch tổ chức Tháng công nhân năm 2022; Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và dự kiến chỉ tiêu giao năm 2022; Tờ trình về chiến lược đối ngoại của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành về “Công tác tài chính trong tình hình mới; Sửa đổi Quyết định 1908/QĐ-TLĐ ngày 19.12.2016 về việc ban hành quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn, thu, phân phối nguồn thu và thưởng, phạt thu, nộp tài chính công đoàn; Báo cáo kết quả 02 năm triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các cấp công đoàn…
Trong buổi sáng, Phó Chủ tịch Thường trực Trần Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022; Tờ trình báo cáo về “Chương trình một triệu sáng kiến”; Tờ trình về việc tổ chức Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII để các uỷ viên Đoàn Chủ tịch thảo luận.
Một trong những ý kiến thảo luận đáng chú ý là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị cần đánh giá được vai trò, năng lực của tổ chức Công đoàn trong thời gian phòng chống dịch. Bởi trong thời gian đó, đội ngũ cán bộ Công đoàn từ Trung ương đến cơ sở đều sát cánh cùng người lao động với các chính sách kịp thời cũng như sự chia sẻ, hỗ trợ trực tiếp, qua đó ổn định được quan hệ lao động.