Rạng sáng 29.4, khi mặt trời vẫn chưa ló rạng, tôi có dịp ghé thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Cần Thơ. Trong không khí tưởng niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dòng người đông đúc tiến vào lễ đài dâng hương cho các bậc cha, anh.
Khi những nén hương, đóa hoa đã yên vị, người viếng thăm nơi đây nhìn nhau bằng ánh mắt bồi hồi, xúc động. Dẫu chưa một lần chứng kiến, cũng chưa một lần giáp mặt, kề vai với bộ đội, chiến sĩ thời xưa, song, lòng ai nấy cũng nặng trĩu khi hồi tưởng về những anh hùng đã khuất.
Lẳng lặng di chuyển đến các mộ phần của anh hùng, liệt sĩ, tôi trông thấy hình ảnh người đàn ông, độ đã ngoài lục tuần, ngồi xổm ngay phần mộ liệt sĩ, tay cầm hương đang cháy đỏ nhang khói mà miệng lẩm nhẩm vài câu gì không rõ. Ông ngồi đấy, khoảng chừng 3 phút, thỉnh thoảng lấy tay gạt đi mấy giọt nước mắt đang lưng chừng.
“Chú thắp hương cho ba chú”, ông nhẹ nhàng nói với tôi.
Đó là ông Lâm Mai Bình (viên chức tại TP Cần Thơ), hằng năm ông vẫn đến thắp hương cho người cha anh hùng đã khuất. Dẫu chưa một lần gặp mặt, nhưng ngày ngày ông vẫn tâm niệm, tưởng nhớ về người cha của mình.
“Ba chú mất khi chú mới mới chập chững biết đi. Ngày người ta đưa quan tài của ba về nhà, má chỉ biết ôm chú khóc. Má kể hôm lễ tang ba, chú lững chững đi vòng cái quan tài mãi. Để rồi từ khi nào, ba nằm trong tim của chú mãi không thôi!”, ông Bình kể.
Theo chân ông đi quanh các mộ phần còn lại, ông kể: Năm nào ông cũng thay người cha quá cố thắp hương cho đồng đội của ông. "Những bậc tiền nhân có thể không sát cánh cùng ba chiến đấu, nhưng họ là đã kiên cường, buất khuất trước mưa bom bão đạn để giành độc lập, tự do cho đồng bào mình", ông Bình chia sẻ.
Run run hương khói trên tay, ông Bình cắm nén hương vẫn còn cháy đỏ vào từng lư hương của các liệt sĩ. Mỗi lần cắm hương, ông lại nghẹn ngào ít giây.
Lễ phép chào ông, tôi cũng nghiêng mình kính chào trước các bậc anh hùng, liệt sĩ xưa. Mỗi đợt nghe kể lại chuyện, khi bộ đội ta kiên cường hy sinh đấu tranh chống giặc, trong lòng tôi vốn kìm lòng không nổi. Nhưng đau lòng nhất không chỉ có người ra đi, mà cả với người ở lại. Hòa bình đã lập lại trên quê hương 47 năm, nhưng vết thương mất mát người thân vẫn âm ỉ từng ngày trong họ, mãi không thôi...