Bản A Ho ở xã Thanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) ở ngay biên giới Việt - Lào, nơi này chủ yếu là đồng bào thiểu số Vân Kiều sinh sống.
Già làng của bản A Ho Hồ Văn Lý cho biết, theo phong tục, người đồng bằng có Tết Nguyên đán, còn người đồng bào thiểu số thì có Tết mừng lúa mới. Nhưng từ khi người đồng bằng đi kinh tế mới lên đây mở đường, đưa cây sắn và lúa nước lên bản làng, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, dần dần đồng bào Vân Kiều cũng ăn Tết Nguyên đán.
Người Vân Kiều có một loại bánh truyền thống gọi là bánh là beng, chữ “beng” tiếng Vân Kiều dịch ra là “đoàn kết”. Loại bánh này thường xuất hiện trong các nghi lễ cúng, cưới hỏi hoặc Tết mừng lúa mới của người dân. Và loại bánh này còn mang ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, những năm gần đây, khi mùa xuân về, người đồng bào lại gói bánh để mừng năm mới.
Trung tá Ngô Trường Khôi - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh (Biên phòng Quảng Trị) nói rằng, vào những ngày Tết, ngoài nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc, đơn vị này cũng có các tổ về thăm hỏi, động viên và ăn Tết cùng người dân. Biết phong tục của người đồng bào, cán bộ chiến sĩ ở đồn biên phòng này còn về nhà già làng, trưởng bản, cùng gói bánh beng.
Bánh beng mang nhiều ý nghĩa với người Vân Kiều, nhưng được gói khá đơn giản. Nguyên liệu của bánh là nếp, bánh gói xong có hình trụ, dài, đường kính bằng cán rựa, được gói trong lá chuối hoặc lá dong.
Tại nhà của già làng Hồ Văn Lý, 3 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh đã đến tham gia gói bánh. Nếp được đưa vào khuôn, buộc lại bằng lạt, rồi bánh được ngâm trong nước. Khâu cuối cùng là nấu bánh trong khoảng 3-4 tiếng.
Loại nếp được dùng để gói bánh, được người đồng bào trồng trên nương đưa về, sau khi giã, sẽ được sàng sảy để lựa ra những hạt nếp đẹp.
Làm ở đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thanh, thượng úy Hồ Văn Thông đã có tay nghề gói bánh beng. Chưa đầy 5 phút, thượng úy Thông đã hoàn thiện 1 chiếc bánh, được già làng Hồ Văn Lý khen “gói đẹp”.
Trong quá trình gói bánh, câu chuyện về các mô hình phát triển kinh tế, hay đấu tranh với tội phạm ở dọc biên giới Việt - Lào cũng được cán bộ chiến sĩ biên phòng đề cập. Già làng Hồ Văn Lý cũng lo âu, vì tình trạng tàng trữ, vận chuyển ma túy ở các bản làng bây giờ khá nhức nhối.
“Chúng tôi cũng thường nhắc nhở con cháu ở bản, không được vi phạm pháp luật. Nhờ có lực lượng biên phòng, công an ở địa bàn nhắc nhở, răn đe nên cũng yên tâm” - già làng Hồ Văn Lý, cho biết.
Bà Hồ Thị Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Thanh (huyện Hướng Hóa) nói rằng, dịp Tết bà con dân bản nhận được nhiều niềm vui, khi cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã có các phần quà dành tặng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Trong những ngày Tết, các anh lại về bản làng, nắm bắt tình hình an ninh trật tự, rồi gói bánh cổ truyền, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ cũng như căn dặn bà con chuẩn bị làm đất để vào vụ trồng sắn mới, để năm mới sẽ được ấm no.