Bác sĩ gần 20 năm bám bản, chữa bệnh cho đồng bào H’Mông

Đinh Đại |

Gần 20 năm gắn bó với đồng bào H’Mông, bác sĩ Giàng A Lu thuộc từng lối mòn, dốc nối dốc, hiểu từng tập quán của đồng bào để góp phần làm thay đổi nhận thức về phòng chống bệnh tật của người dân vùng cao.

Bác sĩ Giàng A Lu gắn bó với y tế vùng cao như duyên phận. Anh sinh ra và lớn lên ở Chế Tạo, một xã vùng sâu, vùng xa cách trung tâm huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái 35km.

Khi chưa học xong lớp 12 thì bố anh Lu lâm bệnh và qua đời. Gia cảnh khó khăn, chàng trai dân tộc H’Mông luôn cố gắng học lấy một nghề để sau này đỡ vất vả.

Tốt nghiệp THPT, ý định ban đầu của Giàng A Lu là học sư phạm. Nhưng bất ngờ anh lại nhận được giấy gọi học dự bị y.

“Qua một tuần đắn đo, suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết định lên Thái Nguyên theo học ngành y”, anh Lu kể.

Bác sĩ Giàng A Lu với gần 20 năm công tác trong ngành y ở vùng cao Yên Bái. Ảnh: Đinh Đại
Bác sĩ Giàng A Lu đã có gần 20 năm công tác trong ngành y tế ở vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái. Ảnh: Đinh Đại

Sau khi vượt qua rào cản của chương trình dự bị 1 năm, bác sĩ Giàng A Lu chính thức theo học tại trường Đại học Y Thái Nguyên thêm 6 năm.

Ra trường năm 2007, nhận thấy nơi chôn nhau cắt rốn còn nhiều khó khăn nên nam bác sĩ sinh năm 1981 quyết định về làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải - một trong những huyện vùng cao khó khăn nhất của cả nước.

Khi đó, điều kiện giao thông nơi đây còn nhiều khó khăn, đường xá xa sôi. Cơ sở vật chất, nhân lực còn thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là bác sĩ gây mê.

Nam bác sĩ luôn quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đinh Đại
Bác sĩ Giàng A Lu luôn dành sự chia sẻ và kêu gọi giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Đinh Đại

Các thôn bản của đồng bào dân tộc thiểu số nằm rải rác quanh các vùng núi. Xã Chế Tạo cách trung tâm huyện 35km, lại chưa có đường giao thông nên từ để lên huyện cũng phải đi bộ cả ngày trời.

“Lớn lên ở mảnh đất này nên tôi rất hiểu sự thiếu thốn, vất vả của bà con, nhất là trong việc chăm sóc sức khỏe. Thậm chí khi ốm đau, mọi người vẫn nhờ thầy cúng “giải trừ” thay vì đến cơ sở y tế.

Giống như khi làm công tác dân vận, những y bác sĩ chúng tôi phải băng rừng, vượt suối ăn ở cùng bà con thì mới tạo được sự tin tưởng”, bác sĩ Lu kể lại.

Theo anh, nhiều khi lên vùng không có sóng, không có điện khiến việc gặp và vận động bà con vô cùng khó khăn. Khi nghe đến tiêm chủng thì người lớn đóng cửa còn trẻ em sợ bỏ chạy…

 Là một người dân bản địa nên bác sĩ Lu cũng phần nào thấu hiểu được những khó khăn của người dân các thôn bản tại Mù Cang Chải. Ảnh: Đinh Đại
Là người dân bản địa nên bác sĩ Lu (thứ 3 từ trái qua) cũng phần nào thấu hiểu được những khó khăn của người dân cvùng sâu vùng xa Ảnh: Đinh Đại

"Làm việc trong ngành y có nhiều áp lực, thế nhưng, mình có thuận lợi là người địa phương, biết tiếng, hiểu văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào H’Mông nên việc khám, chữa bệnh cũng như giao tiếp sẽ thuận lợi hơn”, bác sĩ Lu nói.

Khi đã tạo được niềm tin, bác sĩ Lu cùng các đồng nghiệp đi từng bản, gõ cửa từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền, vận động bà con ăn chín uống sôi, ngủ có màn và vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Nhất là vấn đề thuyết phục người già có bệnh đi khám, phụ nữ đến các cơ sở y tế sinh con…

Với mong muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành y, năm 2012 Giàng A Lu đã đi thi sau Đại học tại Trường Đại học Y Hà Nội và đỗ chuyên ngành Ngoại khoa.

Mỗi năm, bác sĩ Giàng A Lu tham gia hàng trăm ca phẫu thuật. Ảnh: NVCC
Mỗi năm, bác sĩ Giàng A Lu (bên trái) tham gia hàng trăm ca phẫu thuật. Ảnh: NVCC

Sau 2 năm, tốt nghiệp và trở về đơn vị công tác và trực tiếp phẫu thuật, cứu sống được nhiều người bệnh tại huyện vùng cao Mù Cang Chải.

Trong thời gian công tác ở khoa Ngoại, bác sỹ Giàng A Lu không nhớ chính chính xác mình đã mổ cho bao nhiêu bệnh nhân. Có năm, anh trực tiếp phẫu thuật mổ cho trên 200 ca, chủ yếu là các ca mổ lấy thai, ruột thừa, chửa ngoài dạ con và thoát vị bẹn... cấp cứu, giành lại sự sống cho hàng trăm ca bệnh nặng, nguy kịch.

Bác sĩ Lu trong một buổi kiểm tra sức khỏe cho các em học sinh. Ảnh: NVCC
Bác sĩ Lu trong một buổi kiểm tra sức khỏe cho các em học sinh. Ảnh: NVCC

Là một bác sĩ, thấu hiểu công việc của những người làm trong ngành y dù rất vất vả, khó khăn và nhiều thử thách nhưng anh Giàng A Lu cho rằng, đó không là gì so với những nỗi đau đớn của người bệnh.

Vì khi chứng kiến những khuôn mặt nhăn nhó, những tiếng kêu yếu ớt vì bệnh tật, bác sĩ dù có có mệt mỏi đến thế nào thì cũng vẫn phải đứng lên và chạy thật nhanh để "chiến đấu". Có như vậy thì mới xứng đáng với niềm tin của người bệnh đặt lên vai mình…

Đinh Đại