Ai đứng sau CLB Tình Người có dấu hiệu mê tín dị đoan?: Những chiêu trò lôi kéo và dấu hiệu hoạt động trái phép

TRẦN TUẤN |

Hoạt động giống như tổ chức Hội nhưng Câu lạc bộ (CLB) Tình Người không cung cấp được văn bản cho phép thành lập Hội từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các thành viên cũ của CLB Tình Người cũng đã chia sẻ về cách tổ chức này lôi kéo thành viên mới.

Lôi kéo người có thu nhập tốt, địa vị xã hội

Anh Nguyễn Văn N (một thành viên cũ tại CLB Tình Người) cho biết, anh tham gia lớp học chia sẻ Trí tuệ của Câu lạc bộ Tình Người từ cuối tháng 7.2017. Các hoạt động chính của CLB Tình Người bao gồm: mở lớp học "trí tuệ" gồm 5 buổi chính và các buổi phụ với các lớp nâng cao. Đối tượng tham gia đều là người thành đạt.

Theo anh N, CLB Tình Người luôn quảng bá phương châm "kết nối những trái tim nhân ái", "phát triển giá trị trí tuệ hạnh phúc cộng đồng", "gieo duyên", "lan tỏa trí tuệ", "làm phúc giúp đời". Nhưng thực chất đó đều là các hành vi lôi kéo những thành viên mới tham gia vào CLB. Càng những thành viên có điều kiện về kinh tế thì càng được Ban chấp hành CLB trọng vọng.

“Bình thường, các hội viên muốn gặp Chủ tịch CLB Tình Người Kim Bình Trọng thì phải xin lệnh, có khi đặt lịch trước cả tháng mà chưa gặp được. Thế nhưng một chị hội viên đã được đích thân ông Trọng săn đón, xuống tận lớp để tìm gặp. Thậm chí, ông Trọng còn phải ra về 3 lần, đến lần thứ 4 mới gặp được. Lý do chị này là một đại gia nên sẽ là "hội viên tiềm năng" nếu như vận dụng thành công quá trình "giảng đạo"” - anh N kể.

Một cựu thành viên Tình Người từng có nhiều năm tham gia vào CLB này nhận định: “Nói một cách ngắn gọn là tất cả những người có vấn đề về gia đình, về nội tâm và có thu nhập tốt, có địa vị xã hội nữa thì đều nằm trong cái vòng gọi là gieo duyên nhưng thực ra mình dùng từ lôi kéo”.

Chị C.T.Q (Hà Nội) cũng là một cựu thành viên của CLB Tình Người cho hay, tổ chức này thường trích, mượn những giáo lý của Phật giáo, lý thuyết của đạo Khổng, những lời nói của Khổng Tử và những lời dạy của cha ông ta để lại từ xưa đến nay. “Khi mọi người thấy tin tưởng thì bắt đầu họ cho đi làm từ thiện. Họ xây dựng chương trình từ thiện cực chuẩn. Mục đích cuối cùng là họ muốn cho những người mới đó biết rằng giữa lời nói và hành động đồng nhất với nhau để chiếm trọn niềm tin của những người mới đến. Thường thì quá trình để một người mới đặt trọn niềm tin vào CLB có thể kéo dài từ 6-12 tháng” - chị Q nói.

Trong một đoạn ghi âm mà các thành viên từng tham gia CLB Tình Người cung cấp, bối cảnh lớp học do chủ tịch CLB là ông Kim Bình Trọng đứng lớp. Người đàn ông này hướng dẫn các hội viên thực hiện sứ mệnh của CLB như thế này: “Cô bác anh chị nhớ là, bước 1 là làm quen. Bước 2 là thường xuyên đi uống nước với họ, để tìm hiểu về con người họ, thấy được điểm yếu thiếu của họ. Bước 3, tham quan đến nhà của họ chơi thì để ý xem xét bố mẹ họ, vợ chồng con cái họ thế nào để biết con người của họ. Đến cơ quan của họ thì xem cách họ quan hệ với bạn bè đồng nghiệp thế nào, để biết họ yếu, thiếu điều gì hay không. Có phải duyên bất tận không ạ. Cái việc thực hiện sứ mệnh là dễ vô cùng".

Theo các thành viên từng tham gia CLB này, bằng phương pháp như vậy, CLB Tình Người đã lôi kéo được hàng chục nghìn hội viên khắp cả nước tham gia.

Có dấu hiệu hoạt động trái phép

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một số luật sư cho rằng, từ mô tả của những thành viên đã từng tham gia CLB Tình Người, có thể thấy CLB này giống như hình thức tổ chức và hoạt động của “Hội” (có cách gọi khác là Câu lạc bộ, tổng hội, hiệp hội) được quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21.4.2010, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13.4.2012 của Chính phủ.

Ngày 30.3, trong buổi làm việc giữa PV Báo Lao Động và đại diện Ban chấp hành CLB Tình Người, sau nhiều lần đề nghị của PV, Phó Chủ tịch CLB này là ông Trần Ngọc Việt chỉ cung cấp được một quyết định thành lập câu lạc bộ Tình Người của Công ty TNHH Phát triển trí tuệ cộng đồng vào ngày 19.7.2019.

Khi chúng tôi yêu cầu được cung cấp văn bản cấp phép thành lập Câu lạc bộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì ông Việt không cung cấp được và cho rằng: “CLB Tình Người chỉ là tên địa điểm kinh doanh của công ty thôi. Không thích đặt là CLB Tình Người thì chúng tôi đặt tên khác”.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) khẳng định pháp luật hiện hành không có quy định về việc thành lập và hoạt động của câu lạc bộ (hay Hội) trong doanh nghiệp, chịu sự quản lý và điều hành của doanh nghiệp.

“Trong trường hợp các cơ quan chức năng kết luận việc thành lập và hoạt động của CLB Tình Người là trái phép, lợi dụng quyền tự do lập hội, câu lạc bộ để thực hiện mục đích trục lợi, thì những đối tượng cầm đầu có thể bị xử lý hình sự theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, với mức phạt tù cao nhất là 7 năm” - luật sư Thái cho biết.

Từ thiện khắp nơi từ tiền hội viên đóng góp tự nguyện

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trần Hải Yến - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội - cho biết, CLB Tình Người bắt đầu hoạt động trên địa bàn phường từ năm 2016.

Sau khi báo chí đăng tải, ngày 28.3, UBND phường Yên Hòa có phối hợp với lực lượng Công an vào trụ sở CLB này để kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trụ sở CLB có 150 người đang tập trung. Ông Trần Ngọc Việt - Phó Chủ tịch CLB - xuất trình các giấy tờ có liên quan gồm đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

“Đại diện CLB nói họ chỉ tổ chức các lớp chia sẻ trí tuệ giữa các hội viên, bên cạnh đó tổ chức các mô hình từ thiện, từ thiện nhiều nơi trên cả nước với nguồn tiền tự nguyện đóng góp của các hội viên” - bà Yến thông tin.

Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan để nắm tình hình, đồng thời chờ đợi kết luận của Cơ quan điều tra.

TRẦN TUẤN