200 hecta rừng sắp được trồng ở Quảng Bình, Quảng Trị

CÔNG SÁNG |

Quảng Bình - Trong năm 2024, Chương trình “Góp một cây để có rừng” của VARS đặt mục tiêu mở rộng thêm 200 hecta rừng, tại Quảng Bình và Quảng Trị.

Ngày 29.3, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi Rừng Việt Nam (VARS) và UBND huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) phối hợp tổ chức Chương trình Tham quan mô hình rừng trồng và Tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh”.

Đây cũng là sự kiện khởi đầu cho các hoạt động của Chương trình “Góp một cây để có rừng” năm 2024 và hưởng ứng Ngày Quốc tế về Rừng. Chương trình đã mở rộng diện tích rừng trồng tới 21 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Sơn La.

Chương trình tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh”. Ảnh: VARS
Chương trình tọa đàm “Xã hội hóa nguồn lực phục hồi rừng đầu nguồn Sông Gianh”. Ảnh: VARS

Trong năm 2023, VARS tiếp tục trồng mới thêm 52,8 hecta rừng tại Quảng Bình và 150 hecta rừng tại Quảng Trị, nâng diện tích rừng của Quảng Bình lên 233,6 hecta và Quảng Trị lên 267,9 hecta. Đồng thời, công tác chăm sóc 308,39 hecta rừng trồng năm 2021 và 2022 cũng được liên tục duy trì và đạt kết quả nghiệm thu tốt.

Tính đến tháng 3.2024, VARS đã hoàn thành việc trồng rừng trên hơn 500 hecta, tương đương với hơn 650.000 cây giống bản địa như Lim, Dổi, Huỷnh, Vàng Tim, Re, Lát, Xoan. Thành quả đó có được nhờ sự ủng hộ của hàng nghìn cá nhân cùng các tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ ý tưởng gây quỹ.

TS. Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, mô hình trồng và phục hồi rừng của VARS được xây dựng dựa trên nền tảng vận dụng tri thức bản địa, đặt người dân ở vị trí trung tâm, đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, các đối tác chuyên môn - kỹ thuật và những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có quan tâm.

TS. Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty VARS. Ảnh: VARS.
TS. Ngô Văn Hồng, Phó Giám đốc Công ty VARS. Ảnh: VARS.

“Để có được một mô hình bền vững, hiệu quả và phù hợp với cộng đồng bản địa là thử thách lớn, tuy nhiên, chỉ khi thực sự đi vào triển khai và rút kinh nghiệm từ những thiếu sót, đến hoàn thiện, chúng ta mới có thể xây dựng một mô hình hiệu quả. Đó là điều VARS đang nỗ lực thực hiện”, ông Hồng nói.

Trong năm thứ 4 của Chương trình “Góp một cây để có rừng”, VARS đặt mục tiêu mở rộng thêm 200 hecta rừng tại Quảng Bình và Quảng Trị. Ngoài ra, Chương trình cũng hướng tới triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong việc chăm sóc, theo dõi và quản lý rừng, nhằm tối ưu hiệu quả, tối giản chi phí, tập trung nguồn lực cho hoạt động trồng rừng. Đặc biệt, không chỉ dừng lại ở hoạt động trồng rừng, VARS sẽ tiếp tục lan tỏa rộng rãi thông điệp trồng và giữ rừng bền vững, nhằm kêu gọi sự chung tay từ cả cộng đồng.

CÔNG SÁNG