Xây dựng một không gian văn hóa nhân văn

NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG |

Một năm (365 ngày) chưa thể coi là dài trong lịch sử một dân tộc. Nhưng dẫu thời gian ngắn ngủi, những thành tựu văn hóa Việt Nam đã đi đúng hướng, không những thế lại có bằng chứng thuyết phục của sự khởi sắc, phát sáng dù cho đâu đó còn những vướng mắc cần vượt qua bằng tinh thần quyết tâm và khát vọng phục hưng dân tộc.

Tinh thần chấn hưng văn hóa

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1946), Hồ Chủ tịch đã đề cao khẩu hiệu có tính chiến lược: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Sau 1.000 Bắc thuộc và 80 năm thống trị của thực dân Pháp, Việt Nam vươn lên như Phù Đổng trở thành nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á bằng cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, ghi dấu son chói lọi trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước: “Nước chúng ta/ Nước của những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Nguyễn Đình Thi - Đất nước). Nền văn hóa Việt Nam từ đây gắn với thời đại Hồ Chí Minh, đậm đà tinh thần truyền thống dân tộc và thời đại cách mạng mới.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao chiến lược mới: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”. Văn hóa không đứng ngoài chính trị, trái lại gắn bó mật thiết với cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chính là thắng lợi của văn hóa Việt Nam với truyền thống hàng nghìn năm: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi - Bình ngô đại cáo).

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (11.2021), trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, một lần nữa các giá trị tinh thần Việt Nam được đề cao hơn bao giờ hết với sự khẳng định tuyệt đối đúng đắn: “Văn hóa còn dân tộc còn”. Vị thế của văn hóa được đặt ngang hàng với chính trị - kinh tế - xã hội, nói hình tượng khác nào “cỗ xe tứ mã” đang lao lên trên đại lộ thênh thang và tươi sáng của dân tộc.

Việt Nam sau hơn 1.000 ngày đại dịch COVID-19, sau những biến thiên của dịch bệnh và thiên tai, đã vững vàng đi lên, trở thành tấm gương sáng của thế giới nhờ sức mạnh đoàn kết của cộng đồng dân tộc hơn 99 triệu người, kề vai sát cánh, nhường cơm sẻ áo, thông minh và sáng tạo vượt khó, đúng nghĩa của hai chữ “đồng bào”, con cháu Lạc Hồng.

365 ngày văn hóa đi vào đời sống

Năm 2021, Việt Nam tự hào khi hai nhà văn lớn Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh “Danh nhân Văn hóa thế giới”. Có thể coi 2022 là “Năm văn hóa Việt Nam”. Với tất cả tinh thần khiêm tốn vẫn có thể nói, trong khối ASEAN, Việt Nam là nước ghi được nhiều nhất vào bảng vàng danh dự này của nhân loại bằng sự góp mặt của những tên tuổi thực sự sáng chói, những nhà văn kiệt xuất: Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương.

Truyền thống văn hóa là sự tiếp biến, bảo tồn và phát triển bền vững. Vì thế trong 365 ngày qua tinh thần “đánh thức di sản” được củng cố vững chắc trên một tầm cao lịch sử mới. Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), Tạp chí Người Hà Nội (Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội), số tháng 11.2022, đã ra chuyên đề “Đánh thức di sản”, trong đó nhấn mạnh: “Việt Nam - đất nước của những trầm tích di sản, những “kho báu” lịch sử văn hóa. Suốt mấy ngàn năm vượt qua gian khó, những trầm tích và “kho báu” di sản ấy vẫn luôn bền bỉ cuộn chảy, đắp bồi trong từng mạch ngầm đất Việt, làm nên bản sắc độc đáo, quyến rũ”.

Các ý kiến thuyết phục của nhiều nhà khoa học chuyên ngành (khảo cổ học, dân tộc học, văn hóa học, nghệ thuật học,...), khi xướng lên nhận được sự thống nhất cao không chỉ trong giới chuyên môn mà rộng rãi hơn là dư luận xã hội. Đánh thức di sản là một cách (phương pháp) tôn tạo “của để dành” cho các thế hệ mai sau - những di sản tinh thần, văn hóa vô giá như là “chứng chỉ” cho trình độ phát triển của một quốc gia.

Xây dựng không gian văn hóa nhân văn là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài: Thành phố vì hòa bình, Gia đình văn hóa, Nông thôn mới, Trường học thân thiện, Không gian sống xanh, Văn học xanh,... là những không gian văn hóa đậm tính nhân văn vì con người. 

Việt Nam trải qua chiến tranh lâu dài (từ 1945 đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX), đang chịu áp lực nặng nề của biến đổi khí hậu, hệ lụy của dịch bệnh và thiên tai, sự tăng trưởng dân số, bước vào kinh tế thị trường (định hướng XHCN),... đã phơi bày nhiều nhiều trở ngại khách quan và chủ quan.

Vì thế, xây dựng không gian văn hóa nhân văn là nhiệm vụ không chỉ có ý nghĩa sách lược mà là chiến lược. 

Tột cùng văn hóa là con người

Xây dựng “Nhân cách văn hóa” cần được tri nhận thấu đáo như là chìa khóa vạn năng của mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì con người có thể làm ra tất cả mọi điều tốt đẹp nhất đồng thời cũng tạo ra những điều không tốt đẹp nhất. Chiến lược con người, trong bản chất, là chiến lược văn hóa.

Cổ vũ con người nhiều cao vọng là nhiệm vụ của mọi chính sách, quyết sách hiện nay: Khát vọng chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, văn hóa nhân loại... Người Việt Nam vốn cần cù, thông minh, có chí tiến thủ. Nhưng cần có “đất dụng võ”, cần có bầu khí quyển thi thố, trổ tài. Nhưng tài năng và đức độ là hai mặt của một một tờ giấy. Đã có nhiều ý kiến thống nhất về phương châm (triết lý) giáo dục đúng đắn và cấp bách hiện nay: Giáo dục phổ thông nên tập trung hướng tới dạy THÀNH NGƯỜI, giáo đục đại học chuyên chú dạy THÀNH NGHỀ. Quan niệm này không phải là không thuận lý, thuận tình với cả xã hội Việt Nam khi giáo dục “chạm” đến từng gia đình, từng cá thể người học và dạy học, cũng như làm quản lý sự dạy và học...

 Không có một lực lượng nào từ trên trời rơi xuống có thể cải biến tình hình ngày càng sáng sủa và lạc quan theo nguyên lý “Chân - Thiện - mĩ”. Tựu trung chỉ có duy nhất nhân tố đáng tin tưởng và kỳ vọng: “Con người! Hai tiếng ấy vang lên biết bao tự hào” (M. Gorki).

NHÀ VĂN BÙI VIỆT THẮNG
TIN LIÊN QUAN

Nghệ thuật hát Aday - cầu nối bền chặt trong cộng đồng Khmer

Theo TTXVN |

Hát Aday là một trong các loại hình hát múa dân gian độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. 

Chủ trương đầu tư 3 dự án lớn vào khu vực Tây Nguyên

Thanh Hà |

Hiện Chính phủ có chủ trương trao đầu tư cho 3 dự án lớn vào khu vực Tây Nguyên, với số vốn khoảng 1.250 tỉ đồng; tập trung vào các lĩnh vực là chế biến nông sản, gỗ, bất động sản.

Gia Lai tuyên dương 81 thiếu nhi dân tộc, thiếu nhi nghèo vượt khó học

Thanh Hà |

Ngày 15.11, Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên dương 81 thiếu nhi dân tộc, thiếu nhi nghèo vượt khó học giỏi toàn tỉnh năm 2022.

Nghệ thuật hát Aday - cầu nối bền chặt trong cộng đồng Khmer

Theo TTXVN |

Hát Aday là một trong các loại hình hát múa dân gian độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ. 

Chủ trương đầu tư 3 dự án lớn vào khu vực Tây Nguyên

Thanh Hà |

Hiện Chính phủ có chủ trương trao đầu tư cho 3 dự án lớn vào khu vực Tây Nguyên, với số vốn khoảng 1.250 tỉ đồng; tập trung vào các lĩnh vực là chế biến nông sản, gỗ, bất động sản.

Gia Lai tuyên dương 81 thiếu nhi dân tộc, thiếu nhi nghèo vượt khó học

Thanh Hà |

Ngày 15.11, Tỉnh Đoàn Gia Lai phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên dương 81 thiếu nhi dân tộc, thiếu nhi nghèo vượt khó học giỏi toàn tỉnh năm 2022.