Qua rồi cảnh ùn ứ ở cửa khẩu
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của nước ta, có đường biên giới dài hơn 230km, tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Với lợi thế có 12 cặp cửa khẩu trên địa bàn tỉnh (2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu song phương, 9 cặp cửa khẩu phụ), Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại Việt - Trung. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất lớn, luôn ở trong nhóm dẫn đầu của cả nước.
Những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11.2022, phóng viên Báo Lao Động đã có mặt ở một số cửa khẩu tại Lạng Sơn để ghi nhận tình hình thông quan hàng hoá dịp cuối năm.
Nếu như cách đây gần 1 năm, lượng hàng hoá tồn tại ở cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn rất lớn, đỉnh điểm lên đến gần 5.000 container thì nay hiện tượng ùn ứ đã không còn, số lượng xe hàng chờ xuất khẩu hiện chỉ còn khoảng 500 xe. So với thời điểm trước đó, thời gian chờ đợi thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn đã được cải thiện rõ rệt.
Tài xế Nguyễn Văn Tiền (33 tuổi) chở xe mít hơn 20 tấn từ Bình Thuận ra đến cửa khẩu Tân Thanh từ ngày 27.10. Sau 4 ngày chờ đợi, sáng 1.11, xe hàng của tài xế này đã được thông quan qua nước bạn thành công.
“Thời điểm này năm ngoái, xe lên cửa khẩu 7 - 10 ngày, thậm chí cả nửa tháng, có xe chờ lâu quá phải đổ bỏ hàng hoặc quay đầu bán mít với giá giải cứu chưa đến 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu xuất được hàng thì giá lên đến 40.000 đồng/kg”, anh Long nói và cho biết, hàng xuất được sớm, tài xế và chủ hàng đều vui.
Cũng vừa xuất xong được chuyến hàng hơn 30 tấn hoa quả, tài xế Hà Văn Mạnh (45 tuổi, Bình Định) bày tỏ niềm vui khi sớm được quay xe đón chuyến hàng mới. Nam tài xế cho biết, việc rút ngắn thời gian chờ đợi thông quan giúp tài xế và chủ xe cắt giảm được khoản chi phí đáng kể.
“Nếu phải chờ đợi, mỗi ngày, chúng tôi sẽ tốn thêm tiền dầu xe, bảo quản lạnh hàng hoá, tiền ăn uống, sinh hoạt phát sinh... lên tới cả triệu đồng”, tài xế Thanh, người có kinh nghiệm hơn 10 năm chở hàng nông sản xuất khẩu nói.
Ông Vy Công Tường - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - đánh giá, xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn góp phần quan trọng trong việc giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản trong nước.
Trong bối cảnh nước bạn vẫn duy trì chính sách chống dịch Zero COVID, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác đối ngoại, đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác hữu nghị cấp Tỉnh - Khu với nước bạn, duy trì hiệu quả cơ chế hội đàm, để tăng năng lực thông quan xuất nhập khẩu hàng hoá của cả hai phía.
Tăng cường các hoạt động đối ngoại thúc đẩy thương mại biên giới
Theo ông Nguyễn Quốc Đoàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn, với đường biên giới dài 231,74km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), địa phương có tiềm năng to lớn về kinh tế, thương mại; đồng thời, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
“Tỉnh Lạng Sơn là cửa ngõ quan trọng, nối giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN, điểm đầu trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và Hành lang kinh tế trọng điểm quốc gia Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Cùng với hệ thống đường sắt, đường bộ rất thuận tiện nối liền các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, với hai cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu song phương và nhiều cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, Lạng Sơn đã và đang là cầu nối, cửa ngõ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN, đóng góp tích cực trong quá trình tham gia hội nhập khu vực” - Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn nói.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Đoàn, là tỉnh biên giới nên trong mọi hoàn cảnh và mọi thời kỳ, Lạng Sơn đặc biệt coi trọng công tác đối ngoại. Công tác đối ngoại của tỉnh luôn đặt dưới sự chỉ đạo của Trung ương và thực hiện sáng tạo tại địa phương với ba hình thức: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; gắn chặt công tác đối ngoại với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh.
Trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc, tỉnh đã bám sát định hướng chú trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung đường biên giới, tập trung thúc đẩy quan hệ đối ngoại hợp tác hữu nghị toàn diện với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) - đối tác hợp tác truyền thống, quan trọng của tỉnh Lạng Sơn trên nhiều lĩnh vực; duy trì, tham gia Chương trình gặp gỡ đầu xuân các Bí thư Tỉnh ủy (6 kỳ) và cơ chế Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp (12 kỳ) giữa bốn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tăng cường các hoạt động đối ngoại nhằm thúc đẩy thương mại biên giới, thuận lợi hóa thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh.
Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt hơn 2 tỉ USD
Theo số liệu từ UBND tỉnh Lạng Sơn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 2.125 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 630 triệu USD; nhập khẩu 1.495 triệu USD. Hàng địa phương xuất khẩu là 97 triệu USD.