Phật giáo Việt Nam với đường hướng Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội

VƯƠNG TRẦN |

Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội. Đây là một trong 9 mục tiêu để nâng cao tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

Gương mẫu trong đoàn kết các tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc

Cách đây 40 năm trước, ngày 7.11.1981, tại thủ đô Hà Nội, Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước đã khai sinh ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG Việt Nam). Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Trải qua 40 năm, GHPG Việt Nam đã phát huy truyền thống tốt đẹp, với nhiều hoạt động “lợi đạo ích đời”, đi đầu gương mẫu trong đoàn kết các tôn giáo, góp phần cùng nhân dân bảo vệ và xây dựng đất nước phát triển.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Bùi Hữu Dược - nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng, trong chặng đường 40 năm, GHPG Việt Nam là đại diện duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, có nhiều thành tích tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

TS Bùi Hữu Dược - nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Ảnh T.Vương
TS Bùi Hữu Dược - nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ. Ảnh T.Vương

TS Bùi Hữu Dược nhấn mạnh, Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống “hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, GHPGVN đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết.

Trong đại đoàn kết dân tộc, GHPG Việt Nam luôn là tôn giáo đi đầu. Đường hướng, phương châm hoạt động của GHPG Việt Nam đó là: Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội”. Với đường hướng đó, GHPGVN gắn bó với đất nước thể hiện truyền thống lịch sử của Phật giáo. Đồng thời cũng thể hiện tấm gương của một tôn giáo đi đầu trong đoàn kết các tôn giáo.

Kiên định lý tưởng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội"

Theo TS Bùi Hữu Dược, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của GHPGVN (nhiệm kỳ 2017-2022) đã đề ra 9 mục tiêu để nâng cao tầm vóc của Phật giáo nước nhà trong sự đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, cụ thể là:

1. Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội.

2. Đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn Phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.

3. Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo Tăng, Ni của GHPGVN.

4. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.

5. Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.

6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.

7. Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của Tăng, Ni theo đúng Hiến chương GHPGVN và pháp luật Nhà nước.

8. Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức GHPGVN các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

9. Định hướng tự chủ tài chính trong các hoạt động Phật sự của Giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý. Khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện. Kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội cho cộng đồng xã hội.

VƯƠNG TRẦN