Người đưa Quốc bảo sâm Ngọc Linh về trồng trên đất Sơn La

Khánh Linh |

Sau hơn chục năm mày mò tìm kiếm, ăn núi, ngủ rừng, ông Nguyễn Chí Long đã đưa loại sâm Ngọc Linh "Quốc bảo" sống trên đất Sơn La.

Nặng lòng với một chữ "duyên"

Một ngày cuối thu, trong chuyến công tác lên huyện vùng cao Mai Sơn, Sơn La, PV Báo Lao Động đã có dịp gặp ông Nguyễn Chí Long - Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long (thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) - "gã gàn" nổi tiếng vùng Tây Bắc khi đưa thành công giống sâm "Quốc bảo" (sâm Ngọc Linh - PV) sống trên đất Sơn La.

Trong căn nhà chứa đầy những sản phẩm sâm Ngọc Linh Sơn La, ông Long chậm rãi kể chuyện bén duyên với loài sâm quý: "Tôi đến với sâm Ngọc Linh chỉ gói gọn trong một chữ "duyên". 17 năm trước, trong một chuyến gặp gỡ đồng đội thời quân ngũ, anh em có nói chuyện về "Quốc bảo" sâm Ngọc Linh, tôi đã bắt đầu nung nấu ý chí mang giống sâm này về trồng trên đất Sơn La.

Lúc đó trong đầu chỉ có một suy nghĩ rằng mảnh đất Sơn La có đầy đủ những yếu tố để loài cây này sinh trưởng và phát triển, tại sao lại không thể thử?"

Nói là làm, ông bắt đầu khoác ba lô đi khắp các cánh rừng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum, rồi lại ăn núi, ngủ rừng ở khắp cánh rừng già vùng cao Sơn La để trồng thử nghiệm.

"Lúc đó cũng không nghĩ gì nhiều, cứ đeo theo chiếc ba lô, trong đó có cây giống và ít lương thực như người đi rừng rồi bí mật trồng sâm xuống những nơi mà mình cho là thích hợp" - ông Long cười, nói.

a
"Cha đẻ" của Sâm Ngọc Linh Sơn La với những ngày lặn lội lấy giống, trồng thử nghiệm loại sâm quý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thời điểm đó, đã không ít người có lời can ngăn chân thành. Bởi theo họ, đó là một hướng đi mạo hiểm, chôn cả tỉ đồng xuống đất mà không biết kết quả giống như bịt mắt đi giữa rừng nguyên sinh chưa tìm được lối ra.

Trồng sâm Ngọc Linh bằng hạt thì ít nhất cũng phải 8 năm mới cho thu hoạch củ, thậm chí là 10 năm và chưa biết chất lượng củ khi đó có bảo đảm không. Trong khi việc trồng sâm Ngọc Linh như vậy chính là một sự đánh đổi đầy mạo hiểm.

Thế rồi, suốt từ năm 2009 đến thời điểm cuối năm 2019, người giám đốc được cho là "gàn dở" đã lang thang, ăn ngủ khắp các cánh rừng của Sơn La để trồng thử cây giống 1 năm tuổi từ huyện biên giới Sông Mã, Sốp Cộp hay vùng cao Bắc Yên, Thuận Châu... Cuối cùng ông đã dừng chân ở bản Sam Ta của huyện Mai Sơn.

"Bản Sam Ta là một bản vùng cao, nằm cheo leo trên những đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ với điểm cao nhất là 2.000m so với mặt nước biển, phù hợp cả thổ nhưỡng và khí hậu mát mẻ" - người giám đốc bộc bạch.

Nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh

Các mẫu trồng bằng cây giống và củ gieo bằng hạt gửi về Viện Dược liệu, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ dược liệu sau đó được đánh giá chất lượng rất tốt, bảo đảm đủ các tiêu chuẩn của sâm Ngọc Linh khi hàm lượng, định lượng trong củ sâm trồng ở Sơn La ngang với sâm tại các tỉnh khác .

Càng phấn khởi hơn khi được biết từ những thành quả bước đầu là cao sâm Ngọc Linh Sơn La, một phần được bán với giá thấp hơn thị trường với mong muốn "ai cũng được trải nghiệm sản phẩm tốt với giá bình dân", một phần được tặng cho những bệnh nhân khó khăn.

Ông Lò Minh Hùng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La - cho biết: "Trên cơ sở kết quả đánh giá, khảo nghiệm từ phía các cơ quan chuyên môn, tỉnh Sơn La sẽ đề xuất nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh này theo quy mô lớn. Đồng thời, sẽ chuẩn bị các thủ tục theo đúng quy định để tiến tới xây dựng thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý cho củ sâm Ngọc Linh trồng tại Sơn La".

Theo vị lãnh đạo, với kết quả đánh giá chất lượng sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La ngang như sâm trồng tại các tỉnh khác sẽ là cơ sở để Sơn La đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây trồng mà người dân các xã vùng cao khó khăn của Sơn La có thể dựa vào đó để nâng cao thu nhập.

Khánh Linh
TIN LIÊN QUAN

Chắp cánh cho học sinh nghèo vùng biên Sơn La

Theo TTXVN |

Trong những năm qua, chương trình “Nâng bước em tới trường” đã lan tỏa yêu thương của những người lính quân hàm xanh đến các địa bàn biên giới tỉnh Sơn La. Qua đó, giúp nhiều trẻ em trong các gia đình đặc biệt khó khăn được đến trường học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp trồng người, nâng cao dân trí ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chắp cánh cho học sinh nghèo vùng biên Sơn La

Theo TTXVN |

Trong những năm qua, chương trình “Nâng bước em tới trường” đã lan tỏa yêu thương của những người lính quân hàm xanh đến các địa bàn biên giới tỉnh Sơn La. Qua đó, giúp nhiều trẻ em trong các gia đình đặc biệt khó khăn được đến trường học tập, góp phần tích cực vào sự nghiệp trồng người, nâng cao dân trí ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.