Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam trên đường tiến tới Di sản thế giới

Lục Tùng |

Không chỉ là hoạt động tín ngưỡng dân gian, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam, TP Châu Đốc (An Giang) còn chứa đựng sử liệu sinh động về thời khai mở vùng đất phương Nam. Vì thế theo nhiều nhà nghiên cứu, Lễ hội này xứng đáng được ghi nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Sử liệu về đất phương Nam xưa

Theo cố nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (nguyên Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh An Giang), trong sách “Lịch sử xây dựng và phát triển miếu Bà Chúa xứ Núi Sam (2008), khởi nguyên, tượng Bà ngự trên triền Núi Sam.

Cách đây vài trăm năm, có nhóm quấy nhiễu biên giới đến Núi Sam định mang tượng Bà đi, nhưng bọn chúng không thể xê dịch được. Sau đó, Bà “đạp đồng” xưng là Chúa xứ Thánh Mẫu, mách dân làng cử 9 cô gái đồng trinh lên đưa xuống núi…

Sau khi làng cử 9 cô gái đồng trinh lên khiêng, tượng Bà trở nên nhẹ nhàng. Đến chỗ Miếu Bà toạ lạc ngày nay thì tượng bỗng nặng trịch…. Dân làng nghĩ Bà muốn ngự tại đây nên lập miếu thờ. Hôm đó nhằm ngày 25 tháng 4 âm lịch, nên sau này được chọn làm ngày vía Bà.

Sau khi được an vị, Bà hiển linh phù hộ cho người dân thịnh vượng. Từ đó, ngày vía Bà, nhiều người đến dâng hương để thể hiện tâm thức “uống nước nhớ nguồn”.

Tiếng lành đồn xa, theo thời gian, việc tôn thờ, cúng viếng Bà lan rộng nhiều tỉnh. Và thành thông lệ, cứ đến tháng 4 (âm lịch) là khách thập phương nô nức về TP Châu Đốc. Dần dần ngày vía nâng lên thành Lễ hội Vía Bà Chúa núi Sam.

Bên cạnh dòng người tìm đến do tín ngưỡng, cầu nguyện “mưa thuận gió hoà”, “mua may, bán đắt”… còn có người đến để thưởng lãm hoạt động văn hoá dân gian, khám phá những sử liệu về thời khai mở vùng đất phương Nam. Thông qua các hoạt động sinh hoạt lễ hội, người xem có thể tìm thấy dấu ấn 4 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm chung vai, sát cánh từ những ngày cha ông mở cõi.

Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, do được quan tâm, hỗ trợ, tôn tạo nhiều hạng mục, dòng người đến thăm núi Sam diễn ra quanh năm và cả ngày lẫn đêm.

Độc đáo có “1 không 2”

Đến nay tồn tại nhiều giả thuyết về nguồn gốc tượng Bà. Trong đó có thuyết cho rằng tượng Bà có “dấu ấn” nước ngoài. Nhưng trên thực tế, việc thờ cúng Bà Chúa Núi Sam có nhiều nét tương tự như tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu, dễ dàng nhận thấy Lễ hội có sự độc đáo so với các nghi thức thờ mẫu thường thấy tại nhiều địa phương cả nước.

Bên cạnh các nghi thức truyền thống về nhân vật thần thoại gồm: Lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh Núi Sam xuống, lễ Tắm Bà… còn có nhiều hoạt động gắn với tín ngưỡng bản địa.
Nổi bật và mang màu sắc độc đáo là lễ Bà gắn với những người có công khai phá, bảo vệ vùng đất này. Trong ngày lễ Bà, thực hiện nghi thức thỉnh sắc thần (Thoại Ngọc Hầu) - người có công lớn trong khai mở vùng đất Châu Đốc và hình thành Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam, từ sơn lăng gần đó, đến miếu…

Sau đó tổ chức hàng loạt những hoạt động tiêu biểu của đình thần Nam Bộ, như: lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc… Đặc biệt là biểu diễn “hát đình” và nhiều hoạt động văn hoá khác thể hiện bản sắc, sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm.

Có thể nói, Lễ hội Vía Bà chứa đựng những cứ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang, với sự giao lưu, hội nhập về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị và quân sự của 4 dân tộc anh em…

Với ý nghĩa sâu sắc đó, năm 2001, Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận lễ hội cấp quốc gia.

Hiện các cơ quan chức năng đang gấp rút thực hiện các hoạt động cần thiết để UNESCO ghi nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại vào năm 2024. Nếu tiến trình này diễn ra đúng theo kế hoạch, thì đây là lễ hội truyền thống đầu tiên ở Nam Bộ đón nhận danh dự này.

Lục Tùng