Việc cắt ngà, lông đuôi voi với người Tây Nguyên xưa
Trong ký ức của nhiều người dân Buôn Đôn, mỗi khi nhắc đến câu chuyện về chú voi Păk Kú vẫn khiến nhiều người rơi lệ. Vào những năm 1978, Păk Kú được các Gru bắt được vào mùa hè. Sau gần 6 tháng thuần dưỡng Păk Kú hòa nhập cùng đàn voi nhà ở Bản Đôn. Qua thời gian, Păk Kú lớn lên to khỏe, chăm chỉ trong việc nương rẫy và luôn là con voi xuất sắc trong những chuyến lâm chinh cùng các Gru.
Năm 1988, vì thấy Păk Kú hiền lành lại đẹp tướng nên một người ở huyện Chư Sê (Gia Lai) đã kêu người nhà đem tài sản đến đổi voi về. Đến đầu năm 2009, sau 21 năm rời đàn và buôn làng, Păk Kú được đón về tại Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, lúc này nó đã là một con voi lực lưỡng với cặp ngà dài.
Ai đến Bản Đôn du lich khi ấy đều thích thú bởi sự hiền lành, thân thiện của voi Păk Kú khi ấy. Kể cả những người trong buôn đều muốn được gần gũi thân thiện với Păk Kú.
Một ngày giữa tháng 10.2010, voi Păk Kú được cho vào rừng, đêm hôm đó bi kịch đã xảy ra. Voi Păk Kú bị kẻ xấu tẩm xăng, đốt cháy đầu và mông. Chưa dừng lại ở đó, Păk Kú còn phải chịu liên tiếp 217 nhát chém trước khi tháo chạy được. Máu Păk Kú khi ấy tuôn ướt hết vạt cây rừng ở buôn N'Drếch, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn.
Theo vết máu, người ta tìm thấy Păk Kú nằm thoi thóp ở huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk, cách vị trí ban đầu khoảng 5km. Păk Kú đã cố giải thoát để chạy về nhà nhưng đã gục ngã trong bụi tre, ánh mắt mờ đục.
Để giúp Păk Kú, gia đình chạy vạy từ Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, Chi cục Thú y Đắk Lắk và cả bác sĩ thú y nước ngoài để cầu cứu nhưng bất tháng. 10 giờ sáng ngày 6.1.2011, Păk Kú trút hơi thở cuối cùng sau 2 tháng 20 ngày chống chọi cùng những vết thương đau đớn. Thậm chí, khi voi Păk Kú được chôn tại Khu du lịch, nhiều người lạ mặt vẫn kéo về hòng nhăm nhe các bộ phận trên xác voi, chỉ đến khi mộ voi được đổ bê tông kiên cố, Păk Kú mới được yên nghỉ.
Tất cả những bi kịch trên đều bắt nguồn từ cặp ngà dài hơn 1 mét của Păk Kú. Đây là một trong những câu chuyện đau lòng về việc giết hại để trộm lấy ngà voi, lông đuôi diễn ra trên vùng đất Tây Nguyên.
Trao đổi với “Vua voi” Đàng Năng Long, ông cho biết thực chất người đồng bào Tây Nguyên đã bắt đầu cưa ngà voi từ thời xưa nhưng với nhiều mục đích tốt. Ngày nay, vì mục đích lợi nhuận nhiều người sẵn sàng làm bậy để sở hữu ngà voi bán lấy tiền.
Voi khi ấy cứ vào mùa động dục, các con voi đực sẽ húc nhau nên có sát thương rất lớn, việc cưa đi 1 phần ngà voi giúp giảm bớt phần nào nguy hiểm cho bản thân chúng.
Thuở ấy, voi rừng nhiều. Chủ voi phải cưa đi 1 phần ngà voi để đánh dấu là voi nhà, tránh việc đoàn đi săn bị nhầm. Chưa kể, trong trường hợp voi phá hoại hoa màu, người chủ sẽ nhìn vào đặc điểm cặp ngà bị cưa mà tìm đến thương thảo, đền bù chứ không làm tổn hại đến voi. Ngà voi sau khi được cắt về cất trong nhà, được dùng để làm trang sức đeo trên tai chứ không dùng để chế tác vòng tay, nhẫn như bấy giờ.
Nài voi Y Thanh Uông (huyện Lắk) là một trong những người thân thiết cùng Đàng Năng Long cho biết 1 cặp ngà voi đực khi ấy rất quý, có thể đổi tương đương với 1 con voi cái. “Dù quý như vậy, nhưng người nuôi voi luôn xem voi như con cái, lỡ voi chết phải canh giữ rồi rút cặp ngà, không đụng đến dù chỉ 1 nhát dao”, ông Y Thanh Uông nói.
Trước đây, mỗi khi tắm rửa, chải chuốt cho voi bằng lược tre, lông đuôi voi rụng thì mới được lấy về, cất trong nhà gặp khách quý mới mang ra tặng làm kỉ niệm. Đôi tay Đàng Năng Long run run mỗi khi nhớ lại câu chuyện về 2 con voi nhà của mình bị kẻ xấu chặt trộm đuôi để lấy lông. Hai con voi bị chặt cách nhau 17 ngày và chỉ 3 năm sau chúng chết, cách nhau 21 ngày.
Những lần cho voi nhà sinh sản
Là người tiên phong đầu tiên trong việc đưa voi đi làm du lịch, đến những năm 1990, Đàng Năng Long đã nghĩ đến việc cho voi nhà sinh sản để duy trì nòi giống sau khi việc cấm săn bắt voi rừng được triển khai.
Ông Long thú nhận xưa kia người đồng bào Tây Nguyên không muốn cho voi đẻ bởi nhiều lý do. Khi ấy, voi rừng có nhiều trong tự nhiên, 1 con voi nhà để mang thai đến lúc đẻ mất 24 tháng. Voi con đẻ ra 7 năm sau mới làm được việc. Trong khi voi rừng chỉ cần bắt về chỉ cần thuần dưỡng 1-2 năm.
Voi cái khi xưa được cột ở bìa rừng, nếu voi nhà nhảy thì phải chia lại cho voi đực. Voi nhà đẻ ra rất lỳ và bướng. Voi đực khi đã chịu voi cái thì ít nghe lời chủ nên đây là những lý do họ không muốn cho voi nhà giao phối.
Để tiên phong trong việc cho voi nhà sinh sản, Đàng Năng Long đã chuộc voi Y Trút từ một người quen của bà Sao Thong Chăn về để ghép đôi với voi cái H’ Khun. Sau chuyến ghép đôi ấy 4 đôi voi khác cũng lần lượt được ông Long “se duyên”, trong đó có voi tên H’Túc mang bầu nhưng khi voi con sinh ra được 3 tháng thì mất.
Còn nài voi Y Thanh Uông ở Yang Tao, huyện Lắk cũng đã cho voi Băk Khăm của mình mang bầu thành công. Ngày chuyển dạ, dưới tán rừng 1 chú voi con được ra đời. Đáng buồn, voi con cũng mất sau đó 1 thời gian.
Năm 1979-1980 tỉnh Đắk Lắk có 502 con voi thuần dưỡng; năm 1990 có 299 con; năm 1997 còn 169 con và năm 2000 chỉ còn 138 con, giảm 364 con trong vòng 20 năm (từ 1980-2000) (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2013). Tới thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk chỉ còn gần 37 cá thể voi nhà, phân bố tại các huyện Buôn Đôn, Lắk và Krông Ana.
Theo TS Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để giải quyết việc voi nhà cõng khách cũng như buôn bán các sản phẩm làm từ voi các cơ quan tham mưu cần tiếp tục rà soát, đưa vào các văn bản pháp luật các quy định về phúc trạng động vật, theo đó con người không được đối xử không nhân đạo với động vật hoang dã. Hài hoà hoá với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có các quy định về phúc trạng động vật.
Mặt khác cần những hoạt động như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi sinh kế cho người nuôi voi đi đôi với việc thường xuyên kiểm tra, giám sát của các cấp ngành địa phương. Xử lý nghiêm các trường vi phạm các quy định hiện hành.