Ký ức về voi Tây Nguyên và những tập tục chưa kể

Văn Trực |

Đắk Lắk - Ông Đàng Năng Long (SN 1962) là hậu huệ của gia tộc buôn voi lừng lẫy xứ Đông Dương và là người sở hữu được đàn voi nhà lớn nhất Việt Nam (7 con). Những kí ức về những chuyến săn, thuần dưỡng voi được ông kể lại qua dòng hồi tưởng.

Voi trong tín ngưỡng người Tây Nguyên

Tiếp chúng tôi trong căn nhà của người M’Nông gần hồ Ea kao (xã Ea Kao, Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk), “vua voi” Đàng Năng Long đưa tay xoa vòi 2 con voi nhà. Với ông Long, đây là những “người thân” đã gắn bó với ông cũng hơn nửa đời người.

Đàng Năng Long xuất thân trong gia đình có truyền thống nuôi voi, bố ông là Đàng Năng Nhảy khi ấy có 3 người vợ. Trong đó người vợ thứ 3 là bà Sao Thông Chăn, là cháu của vua voi Y Thu Knul (KhunJuNôp).

Bà Sao Thông Chăn thuở ấy không chỉ nổi danh trong việc buôn voi khắp Tây Nguyên, xuyên biên giới, mà với việc có sắc đẹp mặn mà nên được người trong vùng đặt với biệt danh “mỹ nhân buôn voi”.

Dù là con của vợ 2, nhưng ông Đàng Năng Long thường được bà Chăn yêu thương và kể cho nghe những câu chuyện về voi nên tình yêu của ông với voi nên duyên từ đấy.

Nhập ngụm trà, ông Long hồi tưởng lại thuở vùng đất voi nhiều vô kể. Voi khi ấy được người bản địa tôn lên như một vị thần. Voi sau khi được thuần dưỡng, người M’Nông gọi với nghĩa là Ngài, đầy tôn kính. Những vùng đất nào thuộc hành lang voi di chuyển, người dân sẽ không canh tác.

Ông Đàng Năng Long hồi tưởng lại về những chuyến săn voi. Ảnh: Văn Trực
Ông Đàng Năng Long hồi tưởng lại về những chuyến săn voi. Ảnh: Văn Trực

Nhớ lại lúc nhỏ, cậu bé Đàng Năng Long cùng cha là ông Đàm Đăng Nhảy đi giữa rừng lồ ô, nghe tiếng ầm ầm, cha ông Long liền bảo con trai lùi lại và nhắc nhở: “Voi đi qua đó con, lùi lại”. Có người lúc ấy đang nhóm bếp cũng sẵn sàng dập lửa chờ voi đi qua.

Lần khác, trong một chuyến đi săn voi, ông Đàng Năng Nhảy cùng đàn săn phát hiện một con voi bị sét đánh chết trong vùng đầm lầy. Bỏ chuyến săn, cả đoàn cùng nhau chôn cất con voi đó.

“Không đào huyệt, họ chặt nhiều cây để đậy lên xác voi cho đến khi nào không còn thấy xác, để hạn chế thú rừng phá hoại thân thể voi. Xong việc, đoàn săn trở về, cúng tế với thần linh”, ông Long nhớ lại.

11 luật bất thành văn của dũng sĩ săn voi

Miền đất Tây Nguyên đầu thế kỉ XX, voi được xem là những phương tiện để vận chuyển hàng hóa, lấy gỗ, đi rừng. Nhận thấy những tiềm năng đó, người Tây Nguyên bắt đầu săn bắt, thuần dưỡng voi đã phục vụ cho cuộc sống.

Tuy nhiên, để trở thành một dũng sĩ săn voi cần phải đáp nhiều yếu tố bất thành văn trong cộng đồng.

Đầu tiên là không được vụng trộm trong hôn nhân. Một người săn voi có thể lấy tối đa 12 người vợ, nhưng đều phải công khai, không gian dối.

Nếu đã có vợ, ưng một người con gái khác thì phải về báo với người vợ trước, người vợ này sẽ đi xem người con gái đó có đức hạnh không?

Sau đó dòng họ duyệt rồi thì phải cưới. Người vợ cưới về phải tuân thủ 11 quy định trong săn bắt, thuần dưỡng voi, nếu không làm đúng thì sẽ bị trả về nhà bố mẹ.Theo ông Long, chính vì điều này nên xưa ai nhiều voi là có nhiều vợ. Bố ông có 3 vợ, dượng thì có 4 bà.

Người săn voi có được đặc ân hơn người khác nhưng khi phạm tội sẽ bị xử nặng hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Dẫn ví dụ, một người chú của ông Long vì không tuân thủ việc này, nên bị phạt 1 con voi. Trong khi người nếu người bình thường chỉ mất 1 con gà với 1 ché rượu.

Người Tây Nguyên sống theo văn hóa cộng đồng. Nhà nào có voi thì hành xử phải chuẩn mực nếu không sẽ bị cộng đồng dèm pha, cộng đồng không chấp nhận thì khó tồn tại. Nên voi được xem như 1 cột mốc đạo đức để điều chỉnh hành vi của con người.

Khi một người săn bắt, thuần dưỡng được 12 con voi trở lên sẽ được phong làm dũng sĩ, người M’ Nông gọi là Gru. “Những người này là hội tủ đủ yếu tố Trí – Dũng, người xưa quan niệm là giống tốt nên cần được duy trì”, ông Long nói.

Một chuyến săn voi của người Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu
Một chuyến săn voi của người Tây Nguyên. Ảnh: Tư liệu

Để bắt đầu chuyến đi săn, đoàn săn phải có ít nhất 3 con voi chiến là lực lưỡng để áp đảo voi rừng. Trước khi đoàn săn trước bắt đầu cuộc hành trình không ai được sinh hoạt vợ chồng. Đoàn săn sau đó làm lễ, tùy theo mức độ có thể là gà hoặc heo nhưng không cúng trâu.

Sau lễ cúng, các gia đình có người trong đoàn săn chuẩn bị lương thực, nước uống để trữ trong nhà. Đồng thời, lấy một cành cây cắm trước cửa để báo hiệu gia đình đang có người đi săn voi.

Những người trong gia đình lúc này không được đến nơi đông người, chỉ ngồi trong nhà tập trung nghĩ đến điều tốt đẹp cho đoàn săn. Đoàn săn tập kết voi ở bìa rừng, ra đi trong lặn lẽ và không thông báo cho bất kì ai.

Trong chuyến đi săn, người săn đã săn được 12 con voi trở lên được mặc áo, nằm bên đống lửa. Còn lại tất cả đều cởi truồng, bôi sình khắp cơ thể.

“Bôi sình để che đậy mùi cơ thể, trong trường hợp nguy hiểm như bị rớt khỏi voi nhà thì nó thể lẩn trốn, không phát ra mùi cơ thể. Những người mới phải khổ luyện như vậy để quen với các cuộc săn”, ông Long lý giải.

Trong chuyến đi săn, người trong đoàn không được ăn, giết hại bất cứ con gì ngoài con cá dưới suối. Đoàn đi săn dùng voi nhà để đuổi voi đàn voi rừng, bắt voi con trên 3 tuổi và dưới 7 tuổi. Suốt chuyến đi săn, không ai được kêu rên, nói lời gièm pha.

Đặc biệt, chỉ khi người đi săn dùng thòng lọng quăng trúng chân trái sau cùng của voi con thì mới được mang con voi đó về, còn không phải thả ra lại. Ai là người quăng thòng lọng trúng thì voi thuộc sở hữu của người đấy.

Voi săn được mang về, cột vào gốc cây. Khu vực cột voi là ở rừng, gần sông, suối để tắm và cho voi uống nước. Voi đói, người chủ mới mang thức ăn đến cho voi ăn và tìm cách tiếp cận, sờ vào người voi để nó cảm nhận được tình cảm của con người. Thời gian thuần dưỡng voi từ 1-6 tháng, qua thời gian này, voi sẽ được thả về rừng nếu không thể thuần dưỡng.

Khi voi nghe, hiểu được những hiệu lệnh đơn giản nhất thì người này mở dây và đưa voi về, làm nghi thức nhập làng.

Văn Trực