Giúp đỡ cộng đồng là giúp đỡ chính mình

LINH CHI |

Cầm trong tay tấm bằng thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm của Đại học Bách khoa TPHCM nhưng cô gái trẻ Thạch Thị Chal Thi vẫn quyết tâm bỏ việc ở thành phố để trở lại quê hương Trà Vinh khởi nghiệp. Với nghề thu mật hoa dừa truyền thống, chị đã nghĩ ra hướng đi mới cho cây dừa cũng như tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Từ “bán 1 ngày 1-2 lọ” đến mật hoa dừa xuất khẩu quốc tế

Xuất thân từ con nhà nông, chị Thạch Thị Chal Thi (sinh năm 1989, ấp Cây Hẹ, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) luôn đau đáu những ý tưởng tạo công ăn việc làm, giúp bà con tại quê hương thoát nghèo.

Trà Vinh vốn là vùng có nguồn nguyên liệu dừa đứng thứ 2 cả nước, nhưng đến năm 2018, lượng dừa bỏ đi rất nhiều, giá lại quá rẻ so với công sức của người nông dân bỏ ra, chỉ vào khoảng 15.000 đồng/12 quả.

Sự bấp bênh này khiến chị Chal Thi không khỏi xót xa: “Lúc nào tôi cũng mong muốn được về quê hương khởi nghiệp nhưng nghĩ phải đến tầm 40 tuổi chứ không nghĩ sẽ về sớm như vậy.

Đến năm 2018, nhìn dừa bỏ, mọc mầm, xót lắm nên phải nghĩ cách để giúp ba mẹ.

Về sau, khi càng nghiên cứu về mật hoa dừa, tôi càng tin rằng, nếu thành công thì chắc chắn người nông dân ở quê hương mình sẽ được cải thiện kế sinh nhai rất nhiều”.

Kể từ đó, chị Chal Thi bắt đầu dành nhiều thời gian nghiên cứu về mật hoa dừa bằng cách tham khảo các sản phẩm của Thái Lan, Indonesia.

Thời gian đầu, cô gái trẻ gặp nhiều khó khăn từ xoay xở vốn, nhân sự và cả những lời đàm tiếu, dị nghị từ những người xung quanh bởi ngành thu mật hoa dừa vẫn là một nghề khá mới mẻ.

May mắn, cô có sự ủng hộ từ gia đình và sự quyết tâm hướng khởi nghiệp của mình sẽ thành công.

Với nhiều sự nỗ lực và cố gắng nhưng cũng phải mất tới 6 tháng với đủ mọi cách, chị Chal Thi mới thu được những giọt mật hoa dừa đầu tiên. Thu được mật mới chỉ là bước đầu, sau đó còn cả một quá trình dài để người dân biết đến nhiều hơn về những lợi ích của mật hoa dừa.

“Trong một năm đầu khó khăn chồng chất khó khăn, gia đình có bao nhiêu sổ đỏ, tôi đem đi ngân hàng cầm cố hết để vay tiền xây xưởng, vận hành doanh nghiệp, lúc đó thua lỗ nhiều cũng rất áp lực.

Những ngày đầu khi người dân còn chưa biết nhiều về mật hoa dừa, tôi bỏ vốn để xây cả một xưởng sản xuất nhưng chỉ bán được 1-2 hũ nhỏ/ngày với giá 65.000 đồng.

Khi đó để một doanh nghiệp vận hành cũng cần 80 triệu đồng, trong khi doanh thu khi đó chỉ có 20 triệu đồng/ tháng” - chị Chal Thi nhớ lại.

Để đưa mật hoa dừa tiếp cận được với nhiều người hơn, chị đã phải tranh thủ mọi lúc mọi nơi để tới giới thiệu và lan tỏa sản phẩm.

Đến nay, mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, những sản phẩm từ mật hoa dừa đã được mở rộng không chỉ trong nước mà còn ra quốc tế.

Hiện tại, đã có 5 sản phẩm nguyên chất từ mật hoa dừa được bày bán trên toàn quốc, trong đó có 2 sản phẩm xuất khẩu đi quốc tế: 1 sản phẩm mật hoa dừa cô đặc xuất khẩu chính ngạch đi Nhật Bản; sản phẩm và mật hoa dừa xuất khẩu đi Hà Lan.

Mỗi tháng công ty sản xuất 30.000 chai mật hoa dừa tươi, riêng năm 2021, công ty bán được 200.000 sản phẩm, ước đạt 12 tỉ đồng, trong đó lượng xuất khẩu chiếm 10%.

Trong tương lai, cô hướng những sản phẩm của mình theo hướng hữu cơ vừa thân thiện với môi trường và phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế.

Nhớ lại quãng thời gian khó khăn, cô gái trẻ sinh năm 1989 không khỏi bồi hồi: “Dù có khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thất bại.

Tôi luôn tin rằng mình đã đi đúng hướng, chỉ là thời gian đầu sản phẩm của mình chưa được nhiều người biết tới. Vậy nên tôi đã luôn kiên trì, ở đâu có hội chợ, cuộc thi khởi nghiệp nào cũng tham gia.

Tôi không bỏ qua cơ hội nào để lan toả mật hoa dừa tới người tiêu dùng” - chị nói.

Trong suốt cuộc trò chuyện, chị Chal Thi nhắc nhiều đến việc thành công lớn nhất không chỉ là có thật nhiều sản phẩm từ mật hoa dừa mà là tạo được nhiều công ăn việc làm cho những người nông dân.

Những người nông dân trước kia chỉ trông đợi vào thu hoạch quả dừa, không đủ trang trải cuộc sống thì giờ đây, họ đã kiếm được nhiều hơn từ cây dừa, có những người đã thoát nghèo từ nghề thu mật hoa dừa.

Đến nay, tổng số nhân công của công ty là 33 người, trong đó chiếm khoảng 80% là người dân tộc Khmer.

“Hiện tại đã có 200 nông hộ đăng ký liên kết với chúng tôi và dự kiến còn nhiều hơn thế nữa. Mục tiêu của tôi là năm 2030 sẽ liên kết được với 1.000 hộ nông hộ và tạo việc làm từ 200 - 300 dân làng ở địa phương.

Nghe người dân nói được leo cây dừa mỗi ngày là niềm hạnh phúc, tôi cũng thấy vui lây. Sản phẩm của mình giúp được cho nhiều người từ đó khiến mình càng có động lực cố gắng phát triển sản phẩm hơn nữa”.

Từng làm việc ở công ty may, chị Thạch Thị Lập (38 tuổi - huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) có thời gian chỉ dám nghỉ trưa 1 tiếng rồi quay lại làm tiếp để đủ sản phẩm trong ngày nhưng mức lương vẫn không đủ sống.

Khi nghỉ việc, chị đã tới làm việc tại doanh nghiệp của Chal Thi với mức lương 9 triệu đồng/tháng, số tiền này đủ để chị trang trải cuộc sống gia đình và không còn quá khó khăn như trước đây.

Chị Lập tâm sự: “Tôi cũng như các công nhân ở đây đã được công ty hỗ trợ rất nhiều. Công ty không chỉ thưởng riêng mỗi khi đạt doanh số mà còn hỗ trợ về sức khỏe cho các công nhân. Hàng tháng, công ty còn tặng mật hoa dừa cho những công nhân nào bị đau bệnh”.

Trao đổi với Lao Động, ông Thạch Ngọc Khai, Chủ tịch UBND xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết, mật hoa dừa đã đem lại nhiều lợi ích cho địa phương, nhất là việc tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

“Trước đây, bà con trồng dừa cũng tạo ra thu nhập nhưng không cao như hiện tại. Không chỉ vậy, mật hoa dừa cũng là dạng thức uống bổ sung dinh dưỡng cho người dân” - ông Khai nói.

Về phía địa phương, luôn tạo điều kiện nhất có thể để công ty phát triển, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu có sẵn, đưa doanh nghiệp tiếp cận với các nhà đầu tư cũng như hỗ trợ việc hoàn thiện các thủ tục văn bản pháp lý giúp doanh nghiệp tiến xa hơn nữa trong tương lai.

Nói về hướng phát triển trong tương lai, chị Chal Thi khẳng định, sẽ hướng tới yếu tố cộng đồng, giúp đỡ nhiều người là giúp đỡ chính mình.

“Yếu tố cộng đồng là yếu tố chúng tôi hướng tới. Vì khi cộng đồng được giúp đỡ cũng là sự giúp đỡ cho chính mình. Tôi mong ngành thu mật hoa dừa sẽ phát triển bền vững để giúp ích cho cộng đồng, cho người nông dân, cho khách hàng” - chị nói.

THẠCH THỊ CHAL THI

Một số thành tích tiêu biểu:

- Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 16

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

- 1 trong 6 cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại “Vinh quang Việt Nam” 2022.

LINH CHI
TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc Việt Nam

Thanh Hà |

Di sản của Bác Hồ chính là nguồn cảm hứng cho những giá trị phổ quát tốt đẹp của nhân loại, nhà sử học Alain Russio - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận định. 

CMC đồng hành chuyển đổi số cùng Ủy ban Dân tộc

Thanh Hà |

Nhiều giải pháp, dịch vụ của CMC được xây dựng dựa trên khát vọng và mong muốn của Ủy ban Dân tộc để nâng cao và thay đổi cuộc sống của người dân miền núi.

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun được công nhận là di sản quốc gia

THANH BÌNH |

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình mẫu tiêu biểu cho tinh hoa dân tộc Việt Nam

Thanh Hà |

Di sản của Bác Hồ chính là nguồn cảm hứng cho những giá trị phổ quát tốt đẹp của nhân loại, nhà sử học Alain Russio - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận định. 

CMC đồng hành chuyển đổi số cùng Ủy ban Dân tộc

Thanh Hà |

Nhiều giải pháp, dịch vụ của CMC được xây dựng dựa trên khát vọng và mong muốn của Ủy ban Dân tộc để nâng cao và thay đổi cuộc sống của người dân miền núi.

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun được công nhận là di sản quốc gia

THANH BÌNH |

Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.