Tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hùng cường, thịnh vượng
40 năm trước, ngày 7.11.1981, tại thủ đô Hà Nội, Đại hội Thống nhất Phật giáo cả nước đã khai sinh ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG Việt Nam). Từ đây, Phật giáo Việt Nam có cơ duyên để thể hiện truyền thống Phật giáo yêu nước gắn bó cùng với dân tộc.
Sáng 7.11 tới đây, Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định tổ chức Đại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (1981 - 2021) theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, đại lễ sẽ diễn ra trực tuyến qua hệ thống đường truyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ điểm cầu Hà Nội (trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) kết nối với điểm cầu TP.Hồ Chí Minh (Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Thiền viện Quảng Đức, quận 3, TP.Hồ Chí Minh) và các điểm cầu đặt tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tất cả các tỉnh, thành phố. Đại lễ có chủ đề “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương GHPG Việt Nam cho biết, trong chặng đường 40 năm, GHPG Việt Nam là đại diện duy nhất cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài đã có nhiều hoạt động Phật sự ích đạo, lợi đời, có nhiều thành tích tham gia, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Đặc biệt, trong 2 năm qua, khi đại dịch COVID-19 tác động và ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống kinh tế-xã hội ở nước ta, Giáo hội đã chỉ đạo các Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện dừng sinh hoạt tập trung đông người, dùng tổ chức tất cả các lễ hội, các khoá lễ, khóa tu tập đông người; có văn bản kêu gọi các Phật tử thực hiện các quy định, các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Bộ Y tế thực hiện 5K và động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực đóng góp nguồn lực cho Quỹ vaccine và Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc cho bệnh nhân... trị giá gần 1.000 tỉ đồng. Nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch phục vụ tại các bệnh viện.
“Khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni, phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch” - Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu chia sẻ.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu khẳng định trong thời gian tới, GHPG Việt Nam sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tăng ni, Phật tử sống “Tốt đời đẹp đạo”, chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội nhằm giúp đỡ người nghèo, người dân tại địa phương đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Bùi Hữu Dược - nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ - cho biết: Nhìn lại lịch sử 40 năm trước, việc thành lập Giáo hội Phật giáo Việt vào năm 1981 đã đạt được 3 mục tiêu, nhiệm vụ đó là: Thống nhất Phật giáo để thống nhất được hướng hành đạo. Mục tiêu thứ hai đó là thực hiện đoàn kết Phật giáo hướng tới đại đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc. Và mục tiêu thứ ba là loại trừ những yếu tố phản động trong Phật giáo trước giải phóng khi các thế lực đối lập tranh thủ xây dựng những lực lượng chống đối nhau.
“Có thể nói suốt 40 năm qua, một trong những thành công lớn nhất của GHPG Việt Nam chính là thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Trong đại đoàn kết dân tộc, GHPG Việt Nam luôn là tôn giáo đi đầu, gương mẫu để các tôn giáo khác cùng hướng tới chương trình hành động. Đường hướng, phương châm hoạt động của GHPG Việt Nam đó là: Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội”. Với đường hướng đó, GHPG Việt Nam gắn bó với đất nước thể hiện truyền thống lịch sử của Phật giáo, đồng thời cũng thể hiện tấm gương của một tôn giáo đi đầu trong đoàn kết các tôn giáo” - TS Bùi Hữu Dược nói.
Với hơn 16 năm giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ), TS Bùi Hữu Dược cho biết, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước được chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể phát động, GHPG Việt Nam đã động viên tăng ni, phật tử tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào đó với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Đóng góp của GHPG Việt Nam trong các công tác xã hội là rất lớn thông qua những phong trào như xoá đói, giảm nghèo, thông qua các phong trào thi đua yêu nước. Điều này cũng đã thể hiện rõ sự đóng góp sức người, sức của trong 2 năm vừa qua khi đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Cùng với đó, GHPG Việt Nam cũng tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, tham gia giải quyết nhiều mối quan hệ trong và ngoài nước trong đấu tranh thể hiện tự do tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam.
Theo TS Bùi Hữu Dược, GHPG Việt Nam đã ba lần tổ chức thành công rực rỡ các kỳ đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vào các năm 2008, 2014 và 2019 được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đây còn là những hoạt động giao lưu quốc tế, đối ngoại nhân dân, gửi hình ảnh, thông điệp của Việt Nam với quốc tế. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam có chủ quyền độc lập, tự do tôn giáo.
Hình ảnh đất nước con người Việt Nam thân thiện, mến khách đến với khắp thế giới. Giáo hội bước vào hội nhập quốc tế với tâm thế định hình và định hướng sự phát triển của Phật giáo thế giới tham gia vào giải quyết các vấn đề toàn cầu theo chương trình Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên Hợp Quốc.
Hình ảnh tăng ni khoác áo blouse gây xúc động mạnh trong nhân dân
Sáng 5.11, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm, chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp 40 năm Ngày thành lập (7.11.1981-7.11.2021). Theo ông Đỗ Văn Chiến, hơn 40 năm qua, với tinh thần “Hộ quốc an dân”, tinh thần hòa hợp, giá trị nhân văn, “tốt đời, đẹp đạo”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động tăng ni, đồng bào phật tử trên cả nước tập trung phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo an sinh xã hội cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, người gặp thiên tai, dịch bệnh trên cả nước.
Ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của đại dịch, tăng ni, phật tử trên khắp mọi miền Tổ quốc đã chung tay ủng hộ kinh phí và hiện vật cho công tác phòng chống dịch với số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Hình ảnh tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến đã gây xúc động mạnh mẽ trong lòng nhân dân.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam mong muốn thời gian tới, Giáo hội sẽ tiếp tục vận động tăng ni, đồng bào phật tử Phật giáo Việt Nam tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Giáo hội sẽ cùng toàn dân đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.
Đồng thời, chuẩn bị tốt về mọi mặt để tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX trong năm 2022. Cùng với toàn dân hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, qua đó thực hành giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống nhân gian vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. P.Đông