Độc đáo hương vị rượu cần ngày xuân ở Sa Thầy

THANH TUẤN |

Với đồng bào Gia Rai ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, rượu cần luôn có mặt trong các cuộc vui, lễ hội và ngày Tết. Từ đời này sang đời khác, những người phụ nữ Gia Rai đã truyền lại cho con cháu các bí quyết để làm nên rượu cần mang hương vị của núi rừng Tây Nguyên.

Tương truyền rằng, để giúp người Gia Rai cổ xưa có được niềm vui trọn vẹn của mùa màng bội thu, của tình yêu đôi lứa, của sự biết ơn đến các giàng, thần rừng, thần suối đã chỉ người dân cách làm rượu cần từ tìm nguyên liệu, ủ men, ủ rượu, đến pha và thưởng thức rượu cần vào những ngày vui.

Đặc biệt dịp lễ lớn, rượu cần sẽ là sợi dây kết nối giữa con người với các vị thần của Gia Rai. Không có rượu cần, buổi cúng giàng coi như không thành. Từ đó, rượu cần đã trở thành đặc sản của đồng bào Gia Rai ở nơi đây.

Phụ nữ ở Sa Thầy nếm thử hương vị rượu cần ngày xuân. Ảnh: Thanh Tuấn
Phụ nữ ở Sa Thầy nếm thử hương vị rượu cần ngày xuân. Ảnh: Thanh Tuấn

Ông A Tủa - già làng Chốt, thị trấn Sa Thầy - cho biết: “Đối với người Gia Rai, uống rượu cần là phong tục không thể thiếu tại các dịp lễ hội và Tết Nguyên đán. Ngày đó, ai có điều kiện sẽ mổ heo, trâu, bò, không thì gà cũng được, mọi người sẽ quây quần bên nhau chung vui bên ghè rượu và tiếng cồng chiêng”.

Theo chân già A Tủa, chúng tôi tìm đến nhà bà Y Đanh (ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy) - một người có thâm niên hơn 30 năm làm rượu cần. Khi tới nhà, hương men rượu cần bay thoang thoảng theo gió, bà Y Đanh cùng con gái là Y Danh đang ủ rượu cần.

Bà Y Đanh chia sẻ: “Mỗi ghè rượu của từng gia đình có vị khác nhau, với vị nhạt, chua, cay, nồng, ngọt... Rượu cần ngon hay không phụ thuộc vào men và bí quyết này tùy thuộc vào mỗi gia đình. Để có được men rượu ngon, người làm phải lên rừng tìm lá, rễ cây để ủ men”.

Hương vị rượu cần Sa Thầy nhiều nét độc đáo văn hóa truyền thống bản địa. Ảnh: Thanh Tuấn
Hương vị rượu cần Sa Thầy nhiều nét độc đáo văn hóa truyền thống bản địa. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhìn qua các công đoạn tưởng chừng việc làm rượu cần khá đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm ra được một ghè rượu ngon. Chị Y Danh - con gái của bà Y Đanh - cho hay: “Bắt đầu từ việc làm men, chọn gạo, chọn trấu phải đảm bảo yêu cầu. Việc ủ gạo, trấu cũng phải cẩn thận nếu không rất dễ bị hỏng.

Nếu quá nóng thì sẽ hỏng, quá lạnh không lên men được, rượu sẽ chua, nhạt. Gạo, trấu, men được trộn đều với tỉ lệ phù hợp”.

Con gái ở làng Chốt đổ nước lọc vào bình rượu cần để phục vụ ngày lễ tết. Ảnh: Thanh Tuấn
Con gái ở làng Chốt đổ nước lọc vào bình rượu cần để phục vụ ngày lễ tết. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo người Gia Rai, khi được chủ nhà mời uống rượu cần, nếu từ chối, điều đó có nghĩa đang chối từ tấm chân tình và lời chúc của gia chủ. Bà Y Đanh đã truyền lại bí quyết ủ rượu cần dân tộc cho con gái là chị Y Danh. Được biết, năm 15 tuổi, chị Y Danh đã thuần thục cách làm men truyền thống và ủ rượu cần.

Không chỉ gia đình chị Y Danh mà nhiều gia đình đồng bào Gia Rai ở huyện Sa Thầy vẫn còn làm rượu cần truyền thống, phục vụ cho ngày lễ, Tết và các ngày hội văn hóa trọng đại ở Kon Tum.

THANH TUẤN