Thức ăn cho bò là bột ngô trộn thân cây chuối rừng cắt giã nhỏ, sắn khô xay, cỏ voi... Bò chận là vật nuôi thân thiết của mỗi gia đình người Mông.
Người dân chăm nuôi bò hàng ngày, luyện sức dẻo dai cho bò bằng cách cho leo dốc, leo đèo cao và đặt tên cho bò, gọi tên hằng ngày như Bò Lia, Bò Phạ, Bò Cài, đặc biệt là “gà” chiến thuật thi đấu cho bò như một huấn luyện viên ở ngoài sân đấu.
Một con bò chận, bò chiến thực sự là con bò thân hình béo tốt, đậm chắc như tảng đá lèn trên Phu Xai Lai Leng, cặp sừng nhọn hoắt, cong vút được mài dũa tỉ mỉ, bụng thon, ức nở, u cuộn như đỉnh núi Cổng Trời - Mường Lống, miệng phì phì như đầu tàu mới thấy ở ga Vinh...
Ở Kỳ Sơn, người dân lập ra các “hội bò chận” để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi bò và các nghề nuôi trồng khác, đảm bảo nghiêm túc cho mỗi cuộc thi cũng như hoạt động hàng này.
Bà con vào hội tự nguyện đóng quỹ, chủ động tham gia và hoàn thành mọi việc được hội phân công. Đáng nói là do bò được nuôi chăm chu đáo, rèn luyện đến nơi đến chốn nên rất ít khi có tình trạng phải... làm thịt, bán giá cao.
Điều đặc biệt là những lần tổ chức hội bò chận của bà con bên cạnh gắn với các ngày lễ lớn của đất nước, quê hương, còn gắn với những dịp vui của các gia đình, chẳng hạn khi gia đình có việc trọng như lễ cưới, làm vía...
Những dịp đó, gia đình có việc trọng đứng ra lo hết mọi việc cho hội. Nếu gia đình có bò ở xa, phải di chuyển bằng xe tải đến địa điểm thi đấu thì chủ bò được hỗ trợ một nửa, tức một chiều đi/về tiền thuê xe.
Đến nơi, chủ bò được mời dùng bữa vui vẻ, được nhận quà mang về. Nếu trong trận đấu, không may bò thua trận, bị thương, chủ bò được quan tâm giải quyết, tránh bị thiệt thòi như mua lại bò với giá “hời” hơn, sau đó chia thịt cho những người tham gia lấy may mắn, thành công.
Vì vậy, chủ bò hoàn toàn yên tâm chăm nuôi bò, luyện bò để thi đấu ngày càng “thắng” nhiều hơn.



Giải thưởng cho mỗi cuộc thi bò chận trước hết là tạo được niềm vui, háo hức cho mỗi gia đình nuôi bò và đông đảo người xem. Bò nào chọi giỏi, thắng trận thì lập tức được “ghi điểm”, tạo được tiếng vang cho người nuôi luyện, bò chọi được tăng giá bán trên “thị trường chuyển nhượng”.
Chính ông Lỳ Bá Thái khoe rằng, con bò Lia của ông từng vô địch mấy lần, vừa được “chuyển nhượng” với giá 250 triệu đồng cho một người tận trong nam nghe tiếng lên tìm mua.
Gần đây, tôi hỏi chuyện một vị nguyên lãnh đạo Kỳ Sơn thì được nghe tâm sự rằng, với “phong trào” đã có, Kỳ Sơn nên sớm có sơ tổng kết, rút kinh nghiệm bài học để tới đây có thể tổ chức một lễ hội chọi bò với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của bà con người Mông, vừa góp phần chung vào đời sống sinh hoạt cộng đồng của bà con các dân tộc miền núi, từng bước tiến tới việc tổ chức thường niên với sân đấu “chuẩn”, điều luật chuẩn.
Mơ ước của nhiều người dân Kỳ Sơn là hội chọi bò Kỳ Sơn được biết đến nhiều hơn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại vùng quê nghèo Kỳ Sơn miền tây Nghệ An.