Bản sắc doanh nhân Việt

Đặng Chung |

Trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như trong các cuộc đối thoại gần đây giữa người đứng đầu Chính phủ với doanh nghiệp, cụm từ “xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt Nam” được khẳng định rất nhiều lần, được coi là nguồn nội lực quan trọng để giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững. Vậy những điều gì làm nên bản sắc doanh nhân Việt Nam, để không bị “trộn lẫn”, “hòa tan” trên chặng đường bước ra biển lớn và hội nhập toàn cầu?

“Chất” doanh nhân

Người ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ; sáng vội vã đi thu mua nông sản giúp bà con, trưa tất bật nấu nướng, rồi vận chuyển những suất ăn nóng hổi đến các vùng bị cách ly, tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch… Đây là hình ảnh của chị Vũ Lan Sinh - Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh - và nhân viên công ty trong những ngày Hà Nội và cả nước căng mình chống dịch COVID-19.

Hơn hai năm trước, chị Sinh và nhiều doanh nhân khác không thể lường được sức tàn phá của đại dịch làm rung chuyển toàn cầu, tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội lớn đến vậy.

Hoạt động trong lĩnh vực cung cấp suất ăn bán trú trong các trường học, khi dịch bệnh ập đến, trường học phải đóng cửa, hoạt động của doanh nghiệp gần như bị ngưng trệ. Hàng trăm nhân viên, cùng với đó là hàng trăm gia đình đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng công ăn việc làm, thu nhập và đời sống.

Trước những thực tế mà cuộc sống đặt ra, lúc đó, là một doanh nhân, chị có quyền lựa chọn cách bảo toàn nguồn vốn, cắt giảm chi phí sản xuất, cho nhân viên nghỉ việc để đợi khi nào trường học được mở cửa trở lại. Nhưng chị đã không làm như vậy.

Suốt 2 năm cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các hoạt động sản xuất của công ty vẫn diễn ra bình thường. Tại các khu nuôi trồng thực phẩm sạch của công ty ở Bắc Ninh và nhiều tỉnh thành vẫn tất bật người làm, hối hả gieo trồng, thu hoạch.

Bà con nông dân vẫn được đảm bảo đầu ra cho nông sản, còn nhân viên làm công tác phục vụ, nấu ăn… vẫn có việc làm. Chỉ khác, trước đây đối tượng phục vụ của họ là các em học sinh còn nay là bà con trong các khu cách ly và y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.

Mỗi ngày, công ty phục vụ hàng nghìn suất ăn cho đội ngũ y bác sĩ và hoàn toàn miễn phí, chỉ với một tâm niệm làm sao cung cấp những suất ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đầy đủ dinh dưỡng để tuyến đầu vững tâm chống dịch.

2 năm đó, số tiền lãi doanh nghiệp tích cóp được sau mười mấy năm lăn lộn trên thương trường, rồi nguồn vốn cũng dần bị “ăn mòn”.

Tôi đã nhiều lần chảy nước mắt vì thương khi nghe những chia sẻ của chị về bài toán cân não, phải đảm bảo thu nhập cho nhân viên, cả những đêm thức trắng tìm cách xoay sở để bám trụ, chèo chống doanh nghiệp trước “cơn bão” COVID-19. Dịch bệnh đã giáng đòn đánh quá mạnh vào doanh nghiệp của chị, cũng như hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa khác trên cả nước, nhưng khi hiểu được mục tiêu phụng sự xã hội, doanh nhân sẽ không kiếm tiền bằng mọi giá. Họ nỗ lực và chấp nhận hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng.

Đến hiện tại, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, khi mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đã trở lại bình thường, doanh nghiệp hối hả trở lại nhịp sản xuất và phục hồi, khi có dịp gặp nữ doanh nhân ngoại hình bé nhỏ ấy, tôi vẫn nghe chị kể về những ngày tháng khó khăn của 2 năm trước, với tâm trạng nhẹ nhõm vì đã có quyết định đúng đắn, ưu tiên nhiệm vụ chống dịch và thể hiện trách nhiệm của mình với đất nước.

Và câu chuyện về một nữ doanh nhân mà tôi vừa kể không phải là trường hợp duy nhất đưa ra lựa chọn đó. Trong thời điểm đất nước khó khăn, căng mình chống dịch, doanh nhân không chỉ chung tay góp sức với chính quyền, chia sẻ khó khăn với người dân mà không ít người đã lăn xả vào tâm dịch. Không kể là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, ai ai cũng “tùy theo sức của mình” đóng góp nhiệt tình, vô tư và đầy trách nhiệm.

Người ủng hộ xây dựng bệnh viện dã chiến, người gửi hàng hóa, thuốc men đến các địa chỉ đỏ phòng dịch và chống dịch, người sáng chế ra ATM gạo… để giúp đồng bào trong cơn khốn khó.

Ngay khi đất nước cần nguồn lực để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, sớm đưa đất nước trở lại bình thường mới, mỗi người dân Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, bằng sức và lực của mình đã đóng góp được hàng nghìn tỉ đồng, tạo nên một “Quỹ vaccine” của tình yêu thương, sự đoàn kết và niềm tin, giúp Việt Nam sớm chiến thắng dịch bệnh.

Và đó là “chất” của doanh nhân Việt, dù thành công hay chưa, vẫn luôn có tinh thần yêu nước, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, có bản lĩnh, trí tuệ, có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước và có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội… Họ xứng đáng là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế như nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong các cuộc tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp thời gian qua.

Đồng hành và chia sẻ

Trước đổi mới (trước năm 1986), “doanh nhân” chưa được thật sự coi trọng. Sau đổi mới, doanh nhân được nhìn nhận đúng vai trò, vị trí, họ là người tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, thực hiện các hoạt động thương mại, tạo ra dòng tiền. Họ sử dụng kết hợp vốn nhân lực, tài chính, trí tuệ và vốn vật chất để tạo ra sự tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế.

Nếu các doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế, thì doanh nhân là thuyền trưởng chèo lái các con tàu doanh nghiệp. Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, siêu lớn, có tài sản, có quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh xuyên quốc gia, chúng ta đang có một đội ngũ vô cùng đông đảo các doanh nhân ở doanh nghiệp vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. 

Lực lượng doanh nhân tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa này được ví như ngàn cây xanh góp nên cánh rừng lớn, chịu được nắng gió, liên tục bám rễ sinh sôi trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Hàng ngày tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, có tích lũy, khát vọng để đổi đời và đóng thuế cho ngân sách. Khối doanh nghiệp này đang đóng góp khoảng 45% GDP,  31% tổng thu NSNN và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 triệu lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, phục vụ thị trường nội địa 100 triệu dân, theo số liệu trong Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2021.

Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có những chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình.

Đặc biệt, kể từ khi nhậm chức vào tháng 4.2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có nhiều chuyến công tác, sâu sát đến tận cơ sở, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp, hiến kế của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Hơn hết, người đứng đầu Chính phủ hiểu rằng, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân, của cộng đồng doanh nghiệp là nguồn nội lực, chìa khóa mở cánh cửa lớn, để nhân dân được sống trong ngôi nhà Việt Nam an toàn, mạnh khỏe và thịnh vượng.

Ngoài việc quyết liệt xây dựng Chính phủ số phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra để kịp thời ứng phó như cải cách mạnh mẽ thể chế, kiên quyết loại bỏ “giấy phép con”, gỡ khó cho doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, trên tinh thần “3 không và 5 thật”. “3 không” là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; 5 thật là “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thành quả thật”.

Điều này thể hiện ở việc quyết tâm cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo cơ chế chính sách để hỗ trợ, đồng hành cùng nhân dân, doanh nghiệp vượt khó.

Trong đó, Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” mà Chính phủ ban hành được cộng đồng doanh nghiệp ví là liều “vaccine” giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, để đội ngũ doanh nhân Việt Nam vững tin bước vào làn sóng khởi nghiệp lần thứ 2, mang theo khát vọng đưa đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh.

Đặng Chung
TIN LIÊN QUAN

Sáng kiến từ Chương trình của Tổng LĐLĐVN giúp doanh nghiệp tiết kiệm

HÀ ANH CHIẾN |

Thông qua Chương trình “1 triệu sáng kiến kiến vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐVN phát động, tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã có gần 21.000 cải tiến sáng tạo, giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,5 triệu USD.

Cuba dành ưu tiên cao nhất cho doanh nghiệp Việt Nam

Thanh Hà |

Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz nhấn mạnh, Chính phủ Cuba sẽ dành sự ưu tiên cao nhất, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại Cuba. 

Khẳng định vị thế của trí thức, doanh nhân Việt ở Hungary và Châu Âu

Hải Anh |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy cộng đồng người Việt tại Hungary tuy không quá đông nhưng luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, khẳng định được vị trí trong đội ngũ trí thức của Hungary. 

Sáng kiến từ Chương trình của Tổng LĐLĐVN giúp doanh nghiệp tiết kiệm

HÀ ANH CHIẾN |

Thông qua Chương trình “1 triệu sáng kiến kiến vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng LĐLĐVN phát động, tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) đã có gần 21.000 cải tiến sáng tạo, giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,5 triệu USD.

Cuba dành ưu tiên cao nhất cho doanh nghiệp Việt Nam

Thanh Hà |

Thủ tướng Cuba Manuel Marrero Cruz nhấn mạnh, Chính phủ Cuba sẽ dành sự ưu tiên cao nhất, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại Cuba. 

Khẳng định vị thế của trí thức, doanh nhân Việt ở Hungary và Châu Âu

Hải Anh |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận thấy cộng đồng người Việt tại Hungary tuy không quá đông nhưng luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, khẳng định được vị trí trong đội ngũ trí thức của Hungary.