Tín dụng ưu đãi giúp đồng bào vùng biên huyện Phong Thổ thoát nghèo

Thanh Hà |

Người dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, hướng tới giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng huyện Phong Thổ, Lai Châu ngày phát triển.

Theo TTXVN, sau hơn một năm thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26.4.2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã giúp người dân trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu giải quyết khó khăn về nguồn vốn.

Người dân có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, hướng tới giảm nghèo bền vững, chung sức xây dựng huyện vùng biên ngày phát triển.

Gia đình anh Vàng Văn Nguyên ở bản Huổi Sen, xã Mường So, huyện Phong Thổ từng nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo do không có vốn đầu tư làm kinh tế. Trong khi đó, toàn bộ ruộng nương của gia đình manh mún, độ dốc lớn, thường xuyên thiếu nước canh tác nên trồng lúa năm nào cũng không hiệu quả.

Tháng 8.2022 được sự quan tâm của địa phương thông qua Hội Cựu chiến binh xã Mường So và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện Phong Thổ, gia đình anh Nguyên đã được vay 77,5 triệu đồng làm vốn chuyển đổi nghề.

Anh Nguyên chia sẻ, trước đây thiếu vốn nên vợ chồng anh muốn làm gì cũng khó. May mắn trong năm 2022, vợ chồng anh được vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Cùng với số tiền vay và tiền tiết kiệm từ trước, vợ chồng anh đã thuê máy xúc san gạt những thửa ruộng bậc thang manh mún và một phần diện tích nương thành bãi đất rộng 1,4 ha bằng phẳng để trồng sắn. Ngay trong vụ sắn đầu tiên gia đình anh đã thu được 48 triệu đồng. Đây là nguồn động lực lớn để thời gian tới gia đình mình tiếp tục vượt khó vươn lên phát triển kinh tế.

Nhờ vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, các hộ dân ở huyện Phong Thổ chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: TTXVN
Nhờ vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, các hộ dân ở huyện Phong Thổ chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh: TTXVN 

Giống như gia đình anh Nguyên, gia đình anh Hồ Văn Trường, ở bản Huổi Sen, xã Mường So cũng nhờ số tiền 77,5 triệu đồng vốn vay theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP để chuyển đổi mô hình sản xuất. Gia đình anh Trường đã sử dụng một phần số tiền để thuê máy xúc san gạt các ruộng bậc thang thành ruộng lớn, bằng phẳng. Ngoài ra, gia đình anh đầu tư mua giống nuôi vịt đẻ trứng; mở rộng ao nuôi cá từ 400 m2 lên gần 1.000 m2 mặt nước.

Giờ đây, sau 5 tháng chuyển đổi, gia đình anh Trường đã có 295 con vịt đẻ trứng, trung bình mỗi ngày thu và bán ra thị trường 250 quả. Gia đình anh cũng vay thêm các nguồn vốn khác để mua trên 10 con dê về nuôi. Với sự kết hợp đa dạng các mô hình trong sản xuất nông nghiệp, năm 2022 gia đình anh Trường đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Nghị định số 28/2022/NĐ-CP được Chi nhánh Ngân hành chính sách xã hội huyện Phong Thổ triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ từ tháng 4.2022. Sau quá trình lựa chọn kỹ lưỡng (đúng đối tượng vay là hộ nghèo, sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, các hộ là thành viên của tổ tiết kiệm và vay vốn, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn huyện).

Đến tháng 8.2022 Chi nhánh ngân hành chính thức giải ngân nguồn vốn vay. Mức vay tối đa đối với làm nhà ở mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà ở 20 triệu đồng/hộ; tạo đất ở 50 triệu đồng/hộ; hộ thiếu đất sản xuất và hộ muốn chuyển đổi nghề được vay 77,5 triệu đồng/hộ. Tất cả các hộ đều được vay trong thời gian 10 năm. Mức lãi suất vay ưu đãi 3,3%/năm.

Anh Lê Văn Bắc, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Thổ cho biết, Phong Thổ là một huyện biên giới còn nhiều khó khăn. Trước khi nghị định triển khai, nguồn vốn dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa đáp ứng được hết nhu cầu của bà con. Chính vì vậy, khi nghị định được triển khai với nhiều ưu đãi đã trao thêm cơ hội cho người dân cũng như tháo “nút thắt” về nguồn vốn.

Để nghị định triển khai hiệu quả, nguồn vốn đến với người dân kịp thời, chi nhánh tiến hành quy trình vay vốn theo đúng quy định, hạn chế việc đi lại, tiết kiệm thời gian cho người dân. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn ở các bản. Trên cơ sở đó, các tổ sinh hoạt định kỳ và tư vấn giúp các hộ lựa chọn đối tượng đầu tư cho phù hợp.

Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng huyện Phong Thổ đã giải ngân được trên 24 tỉ đồng cho 350 hộ vay. Các hộ vay đều sinh sống ở thị trấn Phong Thổ và 12 xã gồm: Mường So, Nậm xe, Bản Lang, Khổng Lào, Sin Suối Hồ, Dào San, Vàng Ma Chải, Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Mù Sang, Lản Nhì Thàng và Huổi Luông. Trong số đó, 3 xã vay nhiều nhất gồm xã Bản Lang có 127 hộ vay trên 9,5 tỉ đồng; xã Mường So có 71 hộ vay trên 5 tỉ đồng và xã Lản Nhì Thàng có 59 hộ vay trên 3 tỉ đồng.

Qua kiểm tra đánh giá cho thấy, nguồn vốn vay được các hộ gia đình sử dụng đúng mục đích, giúp các hộ có nguồn vốn làm ăn, phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Một số mô hình tiêu biểu đang được các xã, thị trấn nhân rộng. 100% các hộ vay trả gốc, lãi theo đúng kỳ hạn quy định.

Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phong Thổ tiếp tục triển khai thực hiện nghị định tại các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Nhất là tại các xã còn lại trên địa bàn huyện chưa được vay vốn sẽ tiếp tục tiến hành rà soát đối tượng, nếu đủ điều kiện và các hộ có nhu cầu vay sẽ được hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn theo đúng quy định.  Từ đó, mở ra cơ hội để bà con tiếp cận thêm nguồn vốn ưu đãi, chu kỳ vay dài, đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần vào mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đưa Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo.

Thanh Hà