Sáng nay (23.8), Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội nghị có sự tham gia của 3.100 đại biểu tại 114 điểm cầu trực tuyến trên toàn tỉnh Lai Châu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ cho biết, nhân quyền ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, là một trong ba trụ cột hoạt động của Liên Hợp Quốc cùng với hòa bình, an ninh và phát triển.
Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là chủ trương xuyên suốt, thể hiện trong hàng loạt các văn bản của Đảng, Chính phủ và hiến định trong Hiến pháp 2013.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ bảo đảm quyền con người khi khẳng định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Kỷ, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở trong và ngoài nước thường xuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để kích động các hoạt động chống phá đất nước.
Trong đó, vấn đề dân tộc thiểu số, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận, Internet và gần đây là vấn đề mua bán người đang bị lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo, hạ uy tín của Việt Nam, tạo cớ cho các hoạt động gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
"Việc trang bị thông tin, kiến thức cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền ở các địa phương là hết sức cần thiết, góp phần đấu tranh hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam", Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ nói.
Cùng phát biểu tại Hội nghị, ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian qua, công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, thực hiện hiệu quả, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống và quyền con người của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Do vậy, tình hình an ninh, trật tự ở địa phương cơ bản ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; không để phát sinh các vấn đề phức tạp, không để các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề nhân quyền tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề nhân quyền và công tác nhân quyền của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đầy đủ; chưa được tiếp cận sâu, rộng với các kiến thức nền về công tác nhân quyền.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu xác định, công tác nhân quyền trên địa bàn toàn tỉnh đối với công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
"Lực lượng nào gần dân, sát dân và liên quan đến quyền và lợi ích của người dân nhất thì đó chính là lực lượng đóng vai trò quan trọng, nòng cốt trong công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền", ông Tống Thanh Hải nói.