Ghi nhận tại cụm Công nghiệp Trung An (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), nhiều công nhân chia sẻ: Thời gian làm việc của công nhân lao động trùng với thời gian hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện công lập. Nếu người lao động nghỉ thì bị trừ tiền chuyên cần. Còn nếu đi khám bệnh ngày nghỉ thì bệnh viện công lập không có khám chữa bệnh theo diện bảo hiểm y tế.
Ngại khám bệnh vì sợ mất “chuyên cần”
Anh Nguyễn Hữu Đức (quê ở tỉnh Bến Tre, làm việc tại một doanh nghiệp ở cụm Công nghiệp Trung An, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) chia sẻ, thời gian làm việc của anh từ thứ 2 đến thứ 7, chỉ nghỉ ngày chủ nhật, trùng với thời gian hoạt động khám chữa bệnh BHYT của bệnh viện công lập. Do đó, để được đi khám, chữa bệnh, anh phải xin người sử dụng lao động nghỉ 1 ngày mà công ty lại có chính sách chuyên cần. Theo đó, nếu công nhân xin nghỉ phép sẽ không được hưởng.
“Đối với công nhân lao động, vài trăm nghìn đồng cũng là rất quý nên tôi không muốn nghỉ phép để được hưởng chính sách chuyên cần” - anh Đức tâm sự.
Giống như anh Đức, anh Nguyễn Văn Kiền (quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, làm việc tại một công ty ở cụm công nghiệp Trung An, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gần cụm công nghiệp Trung An có 2 bệnh viện gồm: Bệnh viện Quân y 120 và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Lịch hoạt động khám chữa, bệnh tại cả 2 bệnh viện này đều trùng với thời gian làm việc của người lao động. Do đó, nếu muốn đi khám chữa bệnh thì phải xin nghỉ và ngược lại.
“Nếu xin nghỉ để đi khám chữa bệnh thì sẽ không nhận được tiền chuyên cần. Còn nhận tiền chuyên cần thì sẽ không đi khám chữa bệnh. Do đó, việc có bảo hiểm y tế của người lao động chỉ sử dụng trong trường hợp cấp cứu hay bị tai nạn lao động thôi. Chứ việc đi đến bệnh viện khám tổng quát hằng tháng hoặc hằng quý đối với người lao động thì rất ít” - anh Kiền cho hay.
Mong mỏi của người lao động
Cũng đang làm việc tại cụm công nghiệp Trung An, anh Nguyễn Văn Tâm chia sẻ, thông thường mọi người đều khám sức khỏe tổng quát. Tùy theo điều kiện của bản thân sẽ đi khám một lần, hoặc nhiều lần trong 1 năm. Còn với công nhân lao động thu nhập chỉ vừa đủ trang trải trong tháng, việc đi khám chữa bệnh hằng tháng hay hằng quý là điều rất khó.
Theo anh Tâm, để chăm sóc sức khỏe của người lao động kịp thời, điều quan trọng là người sử dụng lao động có tạo điều kiện hay không. Do đó, người lao động rất mong mỏi người sử dụng lao động quan tâm và tạo điều kiện để họ đi khám chữa bệnh hằng quý mà không bị trừ tiền chuyên cần. Từ đó, giúp người lao động an tâm làm việc và gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với anh Tâm, anh Nguyễn Hữu Đức chia sẻ, phải khám bệnh trong giờ hành chính mới được hưởng bảo hiểm y tế nên nhiều công nhân khi có vấn đề về sức khoẻ cũng ngại phải xin nghỉ phép để đi khám bệnh.
“Vì vậy, công nhân như chúng tôi mong muốn có sự thay đổi chính sách để người lao động đi khám bệnh ngoài giờ vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế” - anh Đức kiến nghị.