Lễ hội truyền thống kỷ niệm 156 năm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hy sinh (gọi tắt là Lễ hội) diễn ra từ ngày 28 đến 30.9.2024 (nhằm ngày 26 - 28.8 âm lịch). Người dân khắp nơi vẫn quen gọi cái tên thân thuộc là Lễ giỗ cụ Nguyễn.
Những ngày này, không chỉ có Đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá rộn ràng tất bật mà ở nơi đảo xa, những người dân Phú Quốc cũng chung tay đóng góp công sức để tổ chức Lễ giỗ cụ Nguyễn.
Hiện nay, mọi công tác chuẩn bị cho lễ giỗ đã cơ bản hoàn tất, có thể tiếp đón du khách thập phương đến chiêm bái. Trước ngày diễn ra lễ, người dân khắp nơi tề tựu về đây để làm công quả phục vụ toàn bộ các khâu.
Theo đó, người dân vệ sinh sân bãi, lau dọn trong ngoài khuôn viên, dựng trại, chuẩn bị nguyên vật liệu để nấu các món chay, món mặn và gói các loại bánh. Tất cả vật phẩm đều được các nhà hảo tâm, các đơn vị gần xa đóng góp để phục vụ cho lễ với hơn 15 tấn, gạo và rau củ quả các loại.
“Mọi người có của góp của, có công góp công, ai cũng tham gia với tinh thần tự nguyện, hiếu kính. Người dân đất đảo rất nhớ ơn ông hy sinh vì dân vì nước nên ai cũng thành kính đến phục vụ lễ giỗ”, bà Nguyễn Thị Hoa Nở, người dân xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc chia sẻ.
Lễ giỗ cụ Nguyễn tại Phú Quốc hàng năm trở thành ngày hội của nhân dân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tấm lòng thành kính của người dân đảo ngọc với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Ông Phạm Văn Hòa - Trưởng Ban bảo vệ Khu căn cứ nghĩa quân Nguyễn Trung Trực xã Cửa Cạn - cho biết: Hàng năm, lượng khách đến rất đông, cao điểm dịp lễ khoảng 10.000 - 12.000 người, còn riêng những ngày bình thường bình quân 200 - 300 người, ngày rằm từ 300 - 400 người. Có nhiều đoàn đến làm công quả như nấu chay, làm bánh, phục vụ nước, hoa quả,...
Ngày giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã có sức lan tỏa ngày càng rộng trong cộng đồng, từ một lễ giỗ bình thường đã được nâng lên thành lễ hội với nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp giá trị văn hóa, dân tộc. Qua đó nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ, tôn vinh đức tài, dũng cảm của cụ Nguyễn, đã hy sinh vì tự do của đồng bào, trong trận chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Đình thờ Nguyễn Trung Trực tại xã Cửa Cạn đặc biệt vì được xây ngay trên nền căn cứ địa chống Pháp cuối cùng của ông ở Phú Quốc, Kiên Giang.
Sau khi người anh hùng này mất, cảm mến lòng quả cảm, yêu nước của ông, nhân dân nhiều nơi lập cơ sở thờ và suy tôn Nguyễn Trung Trực là Anh hùng dân tộc. Chỉ riêng tại TP Phú Quốc có đến 2 ngôi đình: một ở xã Gành Dầu, một ở xã Cửa Cạn. Trong đó, đền thờ ở Cửa Cạn được xây cất tại khu vực búng Ghe Lương, tương truyền xưa kia là một trong những địa điểm của nghĩa quân…
Đến năm 2017, nhân kỷ niệm 149 năm (1868-2017) ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân và chính quyền địa phương xây cất lại ngôi đình mới với tổng chi phí trên 7 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Đình nằm cạnh cánh rừng nguyên sinh, nên du khách còn có dịp tận hưởng không khí trong lành xung quanh.