Quy tụ “chất xám” về nước
Theo thống kê gần đây, có khoảng 10% trong số 4,5 triệu Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài được đào tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ kinh tế, văn hóa, nghệ thuật... phân bố trên hơn 100 Quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là nguồn nhân lực chất lượng, có nội hàm “chất xám” cao cần được khai thác, tận dụng có hiệu quả để phát triển đất nước.
Được biết, đội ngũ trí thức Việt Nam tại nước ngoài phần lớn tập trung ở các nước có trình độ phát triển khoa học - kỹ thuật cao như: Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, Nhật Bản, Nga... Đội ngũ trí thức này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, chiếm một tỉ lệ rất lớn nhân lực đang trực tiếp nghiên cứu khoa học ở các ngành kinh tế chủ lực như: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng, y học, quản lý kinh tế, ngân hàng, chứng khoán... đây cũng là các lĩnh vực “mũi nhọn” mà nước ta đang rất quan tâm và chú trọng đầu tư.
Trong phân tích mới đây, TS Nguyễn Minh Phong và TS Dương Quỳnh Chi - Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội đã ghi nhận vai trò quan trọng của cộng đồng Việt kiều tại nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Những đóng góp này có ý nghĩa rất lớn, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và thái độ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước.
TS Nguyễn Minh Phong và TS Dương Quỳnh Chi cũng chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác vận động và thu hút các nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như: Về quy mô chính sách chưa bao quát hết các bộ phận cộng đồng kiều bào ở nước ngoài; phương thức thực hiện còn đơn điệu; hiệu quả còn chưa xứng với tiềm năng và nguyện vọng của Kiều bào. Đặc biệt là việc đầu tư trực tiếp của Kiều bào về nước trên thực tế ít hơn vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài; nguồn lực chất xám và các quan hệ cầu nối của Việt kiều còn chưa được khai thác hiệu quả...
Tiếp tục đổi mới tư duy, cơ chế và chính sách
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực trí thức Kiều bào để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 45-CT/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và phát triển đất nước trong tình hình mới, trong những năm qua, Chính phủ đã rà soát, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ các nước vào Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
PGS-TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ nhận định: Đổi mới tư duy, cơ chế, chính sách để khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá đưa đất nước phát triển mạnh mẽ. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng khoa học và công nghệ nước ta vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vị trí quốc gia. Đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ tuy gia tăng về số lượng nhưng về chất lượng vẫn còn thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong.
Trong thời gian tới, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy; phát hiện các nút thắt; dỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thật sự thuận lợi, lành mạnh. Đồng thời, giải phóng tiềm năng sáng tạo của các nhà khoa học, gia tăng mạnh mẽ kết quả và hiệu quả đóng góp của hoạt động khoa học - công nghệ đối với các mục tiêu phát triển đất nước trong dài hạn.
“Trước tiên, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển khoa học - công nghệ. Đồng thời, tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; Kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến và tự chủ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội phát triển nghề nghiệp thuận lợi cho nhà khoa học. Mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài. Trọng dụng, đãi ngộ người tài kết hợp đòi hỏi về tính liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu. Giảm thủ tục hành chính đối với các nhà khoa học, tổ chức Khoa học - Công nghệ...” - PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Ngày hội Techfest Việt Nam 2020, bà Lê Diệp Kiều Trang - Đồng sáng lập quỹ Alabaster chia sẻ: “Theo tôi, để kết nối, quy tụ được nhiều hơn nữa tri thức Việt Nam ở nước ngoài thì chúng ta cần phải tập trung đúng người, đúng việc. Khái niệm lực lượng tri thức là cách nói rất chung chung. Lực lượng tri thức, trong đó bao gồm các nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, những người làm về kinh doanh, sản phẩm. Mỗi người sẽ có một mối quan tâm khác nhau và có năng lực khác nhau. Khi thu hút được nguồn lực này về thì chúng ta cần phải tập trung thành từng nhóm nhỏ và có từng chương trình cụ thể... để khai thác hiệu quả, đúng người đúng việc hơn”.