Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vượt trội ở Châu Á

Song Minh |

Tại báo cáo kinh tế Châu Á mới cập nhật ngày 22.12, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 của Việt Nam lên 8,1%.

HSBC cho rằng, Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở Châu Á. Trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang cắt giảm hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ để nỗ lực kiềm chế lạm phát, thì triển vọng kinh tế của Việt Nam được đánh giá là tươi sáng. 

Việt Nam tăng trưởng mạnh trong năm 2022

Trang Nasdaq.com nhận định, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam sáng sủa khi chứng kiến sức tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thặng dư trong cán cân thương mại với các nước khác. Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam được dự báo đạt 8% vào năm 2022.Trong thời điểm các nền kinh tế lớn khác trên thế giới đang cắt giảm hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ để kiềm chế lạm phát, Việt Nam vẫn có thể hỗ trợ tăng trưởng. Vào tháng 1.2022, Việt Nam thông qua gói kích thích tài chính trị giá 15,4 tỉ USD - gần 4% GDP - để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm.

Một số tổ chức vẫn dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khá cao trong năm 2023. Đồ hoạ: Lan Nhi

Tiền tệ và lãi suất của Việt Nam cũng tương đối ổn định so với các nước khác. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát và có kế hoạch giữ ở mức lãi suất mục tiêu dưới 4% trong năm nay. Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4% và chi phí vay thấp với lãi suất chiết khấu của ngân hàng trung ương ở mức 4,5% đang hỗ trợ tiêu dùng trong nước phục hồi khi các hạn chế về COVID-19 được nới lỏng.

Tiêu dùng cá nhân phục hồi, cùng với tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ đã góp phần vào mức tăng trưởng GDP quý 3 ấn tượng của Việt Nam là 13,67%. Vị thế kinh tế vĩ mô của Việt Nam dự kiến sẽ giúp dân số thoát khỏi nghèo, khi hơn một nửa dân số Việt Nam được dự đoán sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu vào năm 2035.

Việt Nam được đánh giá là điểm đến ưa thích khi các công ty đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa tài sản ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam đã duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nhận FDI ròng với tổng trị giá 15,3 tỉ USD vào năm 2021, tương đương 4,2% GDP. Nguồn vốn FDI mạnh mẽ sẽ tiếp tục củng cố triển vọng kinh tế vĩ mô của đất nước.

Thị trường vốn của Việt Nam đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn do triển vọng kinh tế vĩ mô đem lại. Một số nhà quản lý tài sản kỳ vọng, mức tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ vào khoảng 20% trong năm 2022 so với cùng kỳ.

Tính thanh khoản của thị trường Việt Nam cũng đã được cải thiện trong vài năm qua với khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày tăng từ 97 triệu USD năm 2015 lên 1 tỉ USD vào năm 2021. Hiện, có ít nhất 50 cổ phiếu niêm yết với giá trị vốn hóa thị trường hơn 1 tỉ USD, cho thấy sự tăng trưởng của thị trường.

Mới đây, ông Petri Deryng - nhà sáng lập quỹ Pyn Elite Fund - vừa có thư gửi nhà đầu tư, trong đó nói rằng năm 2022 là một năm cực kỳ khó khăn với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi nhà chức trách thực hiện các biện pháp kỷ luật trong thị trường tài chính. Tuy nhiên, ở mặt tích cực, các biện pháp mạnh tay xử lý của nhà nước đã đạt kết quả. Hành vi thao túng cổ phiếu của một số công ty được giải quyết, các công ty bất động sản cũng chấm dứt phát hành trái phiếu một cách phi đạo đức. 

Ngành thép Việt Nam có mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Ảnh: Hải Nguyễn
Ngành thép Việt Nam có mức tăng trưởng cao trong năm 2022. Ảnh: Hải Nguyễn

Phục hồi mạnh mẽ và triển vọng năm 2023

Tại báo cáo kinh tế Châu Á mới cập nhật ngày 22.12, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 của Việt Nam lên 8,1%. HSBC cho rằng, năm 2022 là năm phục hồi bùng nổ, giúp Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục là một trong những nước tăng trưởng vượt trội ở Châu Á.

Quý 3.2022, GDP tăng 13,67% so với cùng kỳ 2021 nhờ lĩnh vực bên ngoài vững vàng và nhu cầu trong nước mạnh mẽ. "Với những thuận lợi nhờ mở cửa trở lại vẫn còn, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng cho năm 2022 lên 8,1%, tăng 0,5% so với mức dự báo cũ" - báo cáo của HSBC viết.

Tuy nhiên, triển vọng dần bị phủ bóng từ những trở ngại về thương mại gia tăng. Sau khi tăng trưởng hơn 17% trong ba quý đầu năm, xuất khẩu đã giảm tốc nhanh trong tháng 10, và giảm đáng kể vào tháng 11. Những thách thức nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn trong năm 2023. Đặc biệt, sau khi những hiệu ứng do mở cửa trở lại nhạt dần đi và tác động của lạm phát cao bắt đầu ảnh hưởng. HSBC dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, ở mức 5,8%.

Tại báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố ngày 14.12, ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm nay, so với mức 6,5% mà ngân hàng này dự báo vào cuối tháng 9. ADB đánh giá, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, nhưng rủi ro đối với triển vọng kinh tế ngày càng gia tăng. Vì vậy, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 được điều chỉnh xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu.

Trong khi đó, quỹ PYN Elite dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất ASEAN, chứng khoán bật lên mạnh năm 2023. Theo dự báo của PYN Elite, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2023, thấp hơn khoảng 1% so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ, chủ yếu do kỳ vọng yếu hơn về xuất khẩu. Tuy nhiên, theo nhà sáng lập PYN Elite, ông Petri Deryng, Việt Nam sẽ có một năm 2023 bùng nổ.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra những dự báo lạc quan, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 từ 7% lên 7,5% GDP, cao hơn 1% so với dự báo của 3 tháng trước đó.

Theo Nikkei Asia, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tờ này cũng nhận định, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới năm 2030. 

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội - TPHCM: Sức bật tăng trưởng, phục hồi ở hai đầu tàu kinh tế

Minh Bằng |

Những con số về kinh tế - xã hội được đưa ra tại phiên họp HĐND ở cả Hà Nội và TPHCM cho thấy sức bật tăng trưởng, phục hồi ở hai trung tâm lớn nhất đất nước này.  

Thế giới tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng bền vững của Việt Nam

Song Minh |

Tại các sự kiện quốc tế lớn diễn ra trong tuần qua ở Hà Nội, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư đã chia sẻ nhận định và bày tỏ tin tưởng về tiềm năng tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023: Không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế

Vương Trần |

Dự kiến năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Nhiều ý kiến nhận định đây là một thách thức trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng

Hà Nội - TPHCM: Sức bật tăng trưởng, phục hồi ở hai đầu tàu kinh tế

Minh Bằng |

Những con số về kinh tế - xã hội được đưa ra tại phiên họp HĐND ở cả Hà Nội và TPHCM cho thấy sức bật tăng trưởng, phục hồi ở hai trung tâm lớn nhất đất nước này.  

Thế giới tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng bền vững của Việt Nam

Song Minh |

Tại các sự kiện quốc tế lớn diễn ra trong tuần qua ở Hà Nội, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư đã chia sẻ nhận định và bày tỏ tin tưởng về tiềm năng tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023: Không để lỡ nhịp phục hồi kinh tế

Vương Trần |

Dự kiến năm 2023, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%. Nhiều ý kiến nhận định đây là một thách thức trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng